Vì đâu Anh quyết tâm gia nhập CPTPP?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss, nước này sẽ chính thức đề nghị tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại cuộc gặp với các Bộ trưởng Nhật Bản và New Zealand vào ngày 1/2 tới.

Trong một tuyên bố hôm 30/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, 1 năm sau khi rời EU, Anh đang xây dựng các quan hệ với các đối tác mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân Anh.
Theo chính phủ Anh, việc tham gia CPTPP sẽ giúp xóa bỏ thuế quan đối với mặt hàng thực phẩm, đồ uống và ô tô, đồng thời giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghệ và dịch vụ. Thương mại của Anh với nhóm này năm ngoái trị giá 111 tỷ bảng Anh.
"Tham gia CPTPP sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Anh, đồng thời siết chặt mối quan hệ của chúng ta với một số thị trường đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới", Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Liz Truss nói.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với sự tham gia của 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Nếu được chấp nhận tư cách thành viên, Anh sẽ trở thành nước đầu tiên ngoài nhóm quốc gia đàm phán ban đầu của CPTPP, tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Văn phòng của bà Liz Truss, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, nằm trong một loạt các sự kiện được thông báo nhằm kỷ niệm ngày Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi quyết định rời EU, Anh đã tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới trên toàn thế giới và coi CPTPP là trụ cột quan trọng trong chính sách thương mại độc lập mới của mình.