Tràn lan vi phạm
Cũng giống như hầu hết fan hâm mộ bóng đá tại Việt Nam, World Cup 2022 là sự kiện được anh Hoàng Tuấn (ở quận Cầu Giấy) tập trung theo dõi nhằm thỏa mãn đam mê với trái bóng tròn của mình. Tuy nhiên, theo thói quen, anh Tuấn thường xem các trận bóng thông qua thiết bị di động như iPad thay vì tivi. Để thực hiện điều này, anh Tuấn truy cập vào những website chiếu lậu thay vì hệ thống trực tuyến của VTV, đơn vị đang nắm giữ bản quyền của giải đấu bóng đá này tại Việt Nam.
Hệ thống web của VTV mặc dù được xem miễn phí, bình thường thì không sao nhưng khi theo dõi bóng đá lại rất hiếm khi xem được, thường xuyên báo lỗi quá tải. Thay vào đó, việc xem tại các trang như: 90phut, xoilac, bongdahomnay… lại rất tốt, dễ truy cập và có cả bình luận viên tiếng Việt, anh Tuấn chia sẻ lý do dùng web lậu để xem World Cup 2022.
Những người lựa chọn web lậu thay vì “chính chủ” VTV để xem World Cup 2022 không phải là hiếm. Thậm chí tình trạng này còn được xem là “vấn nạn” tại Việt Nam khi hầu hết các giải bóng đá có bản quyền được nhà đài trong nước mua với giá hàng triệu USD như ngoại hạng Anh, Ý, Tây Ban Nha… người xem đều có thể xem miễn phí qua những website ngoài luồng như vậy.
Ở thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm các website chiếu lậu các trận đấu tại World Cup 2022 là điều cực kỳ dễ dàng. Tại google, với từ khóa “xem trực tiếp bóng đá”, người dùng được trả về hàng trăm địa chỉ: 91phut, xembongdatructuyen, xoilacTV… đa phần website này đều chiếu được các trận đấu với chất lượng ổn định, có bình luận tiếng việt và người xem có thể dễ dàng thao tác, không cần đăng ký tài khoản, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.
Theo tìm hiểu, những website lậu này thường lấy nguồn các trận đấu từ nước ngoài. Việc đầu tư cho nội dung cũng khá bài bản khi đầu tư vào SEO để địa chỉ của mình được lên top tìm kiếm google cũng như có cả dàn bình luận viên tiếng việt sẵn sàng tường thuật các trận đấu. Nguồn thu chủ yếu đến từ quảng cáo của những website cá độ hoặc cờ bạc.
Việc xem lậu các trận đấu tại World Cup 2022 mặc dù là miễn phí nhưng hành động lại mang đến hậu quả tương đối nặng nề cho nhà đài đã mua bản quyền. Được biết, để chiếu miễn phí cho khán giả Việt Nam các trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, VTV và các đối tác đã phải bỏ ra số tiền từ 12 - 15 triệu USD. Và tất nhiên, người xem lậu càng nhiều thì nguồn thu thông qua các hoạt động quảng cáo của đài truyền hình này sẽ càng giảm, dẫn tới tình trạng không bù đắp nổi chi phí đã bỏ ra.
Được biết, tại vòng loại World Cup 2022, mỗi trận có tuyển Việt Nam thi đấu ước tính có tới hơn 20.000 tài khoản facebook truy cập 30 webiste phát lậu nội dung. Thậm chí, tại kỳ World Cup hay Euro Cup trước đây, chính VTV đã từng bị đơn vị sở hữu bản quyền trên phạm vi toàn cầu cảnh báo sẽ cắt sóng nếu không ngăn chặn được những nội dung không bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại mà VTV gặp phải khi bị đánh cắp bản quyền tại các kỳ World Cup hay các nội dung có liên quan tới bóng đá nhưng con số này chắc chắn sẽ rất lớn. Đơn cử như K+, một liên doanh của VTV, đơn vị này thiệt hại mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng do vi phạm bản quyền, hầu hết là về bóng đá.
Cuộc chiến dài hơi
Được biết, ngay trước thềm World Cup 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã tổ chức 1 đợt triệt phá hàng loạt các website phát lậu nội dung bóng đá. Theo đó nhiều web dạng này đã bị đóng chặn truy cập như: xoilac3, xoilac8, 91phutz…
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1-2 ngày sau hàng loạt các trang web khác của chính những địa chỉ đã bị chặn truy cập lại mọc ra. Đóng xoilac3 lại xuất hiện xoilac11, chặn 91phutz lại có 93phut… Rõ ràng, việc triệt tiêu toàn bộ những website dạng này không hề dễ dàng và đây được xác định là “cuộc chiến” dài hơi.
Được biết, tại kỳ World Cup lần này, VTV đã rất chủ động đối phó với vấn nạn vi phạm bản quyền. Bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước, nhà đài này cũng nhận được sự hỗ trợ từ FIFA. Theo đó, nếu phát hiện, VTV sẽ thông báo các trường hợp vi phạm tới FIFA và chỉ trong vòng 2 phút các nội dung này sẽ lập tức bị khóa.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, đơn vị này cũng đang tích cực phối hợp với VTV nhằm đảm bảo chống vi phạm bản quyền trong mùa World Cup 2022. Các vi phạm trên Facebook, Youtube được VTV gửi sang, Cục sẽ ngay lập tức gửi yêu cầu tới chủ sở hữu những mạng xã hội này để tiến hành gỡ bỏ. Đối với website sẽ tiến hành ngăn chặn truy cập.
"Trong trường hợp phát hiệu chủ thể của những vi phạm ở Việt Nam, Cục sẽ chuyển thông tin sang cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật" - đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nói.
Còn theo chuyên gia về lĩnh vực bản quyền nội dung số trên internet Nguyễn Đình Long, việc chặn truy cập vào website vi phạm đang là giải pháp hữu hiệu, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Hiện nhiều quốc gia như Anh, Pháp hay Mỹ… đang coi đây là một trong những biện pháp kỹ thuật chính để ngăn chặn nội dung vi phạm bản quyền trên mạng. Điển hình là Youtube đang làm rất tốt biện pháp này khi phạt nặng hoặc thậm chí đóng tài khoản nếu vi phạm lặp lại.
Ở Việt Nam cũng đang áp dụng phương thức chặn truy cập này nhưng vẫn còn khá… thủ công. Quy trình sẽ là đơn vị nắm bản quyền sau khi phát hiện vi phạm sẽ báo lên đơn vị quản lý nhà nước, sau đó đơn vị này sẽ báo sang bên quản lý tên miền để ngăn chặn. Việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian, thậm chí như đối với một trận đấu bóng đá, kết thúc rồi vẫn chưa tiến hành xong việc ngăn chặn.
"Tương tự như nhiều quốc gia mạnh về chống vi phạm bản quyền trên thế giới, Việt Nam cần có một công cụ hữu hiệu hơn, kết nối được 3 thành phần đơn vị sở hữu bản quyền - cơ quan quản lý nhà nước - nhà mạng internet. Theo đó, đơn vị sở hữu bản quyền chỉ cần có đầy đủ bằng chứng vi phạm gửi sang nhà mạng là webiste sẽ tự động bị ngăn chặn, cơ quan quản lý nhà nước chỉ giữ vai trò giám sát", ông Nguyễn Đình Long tư vấn.
Báo cáo của Media Partners Asia: Số lượng người dùng vi phạm bản quyền video trực tuyến tại Việt Nam năm 2022 là 15,5 triệu người. Gây thiệt hại 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu toàn ngành. Tới năm 2027, con số trên sẽ tăng lên là 19,5 triệu người và 456 triệu USD. Nếu đẩy mạnh chống vi phạm bản quyền, lĩnh vực video trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần doanh thu. Tới năm 2027 sẽ tạo ra 351 triệu USD và việc làm mới cho gần 5.000 lao động.