Vì sao căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên có nguy cơ vượt tầm kiểm soát?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên đã thực hiện số vụ phóng tên lửa nhiều kỷ lục trong năm nay, đồng thời tuyên bố một loạt các vụ phóng gần đây là để đáp trả cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.

Căng thẳng tiếp tục leo thang

Căng thẳng tại khu vực bán đảo Triều Tiên đang leo thang dồn dập trong những ngày gần đây, đặc biệt khi Mỹ-Hàn tổ chức tập trận chung hôm 31/10 vừa qua. Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 2/11 đã phóng đi ít nhất 23 tên lửa chỉ trong một ngày - tần suất cao chưa từng có.

Theo hãng tin Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã bắn thêm 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông vào đêm 3/11.

Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hôm 2/11. Ảnh: Yonhap
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên hôm 2/11. Ảnh: Yonhap

Theo JCS, các tên lửa được phóng từ huyện Koksan, tỉnh Hwanghae, phía Bắc Triều Tiên vào khoảng 21 giờ 35 phút, khoảng một giờ sau khi Bình Nhưỡng chỉ trích quyết định gia hạn cuộc tập trận không quân chung của Seoul và Washington là một "lựa chọn rất nguy hiểm và sai lầm".

Ngày 3/11, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định gia hạn cuộc tập trận không quân chung đáp trả việc Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trước đó cùng ngày, Triều Tiên đã bắn một ICBM và hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trong đó theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ICBM có quỹ đạo tiềm năng qua nước này, tuy nhiên đã biến mất trên biển Nhật Bản.

Vụ phóng tên lửa tối ngày 3/11 diễn ra chưa đầy một giờ sau khi tướng Pak Jong-chon, Thư ký Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên (WPK), tuyên bố lên án Hàn Quốc và Mỹ quyết định gia hạn cuộc tập trận không quân chung “Vigilant Storm”.

“Quyết định vô trách nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc đang đẩy tình hình hiện nay do các hành động quân sự khiêu khích của các lực lượng đồng minh lên một giai đoạn khó kiểm soát” - hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của tướng Pak Jong-chon cho biết, đồng thời nhấn mạnh, đó là một lựa chọn rất nguy hiểm và sai lầm.

Trong các ngày 2 và 3/11, Triều Tiên đã phóng khoảng 30 tên lửa và cả trăm quả đạn pháo, tần suất được cho là bất thường, hướng vào cả biển Hoàng Hải và biển Nhật Bản.

Một trong số các tên lửa bắn hôm 2/11 đã bay về phía nam qua biên giới liên Triều trên biển trên thực tế lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc, theo JCS, điều Chính phủ Hàn Quốc mô tả là chưa từng có tiền lệ và không thể chấp nhận.

Cũng trong ngày 3/11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đã bắn hơn 80 loạt đạn pháo ra khu vực ranh giới trên biển giữa 2 nước. Loạt đạn pháo này được bắn vào khoảng nửa đêm ngày 3/11 theo giờ địa phương. Phía Hàn Quốc cáo buộc động thái này của Triều Tiên đã vi phạm Thỏa thuận Liên Triều được ký vào năm 2018. Seoul đã ngay lập tức gửi liên lạc cảnh báo tới Bình Nhưỡng.

Các vụ phóng tên lửa theo Bình Nhưỡng, là phản ứng với cuộc tập trận không quân chung quy mô lớn Vigilant Storm của Mỹ và Hàn Quốc, với hơn 240 máy bay, bao gồm cả máy bay phản lực tàng hình F-35.

Để đáp trả vụ phóng tên lửa ồ ạt này của Triều Tiên, các máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã bắn 3 tên lửa không đối đất vào vùng biển phía Bắc đường giới hạn NLL, ranh giới quy ước trên biển mà liên quân Mỹ và Hàn Quốc vạch ra.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng lên tiếng chỉ trích kịch liệt vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ông Yoon tuyên bố sẽ đưa ra "một lời đáp nhanh chóng và mạnh mẽ" để buộc Triều Tiên "trả giá cho hành động khiêu kích" này.

Có nguy cơ vượt tầm kiểm soát

Giới quan sát nhận định các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo với tần suất cao là động thái đáp trả của Bình Nhưỡng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup ra tuyên bố khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp thể hiện "sự quyết tâm và năng lực" của 2 quốc gia đồng minh trước những vụ thử tên lửa liên tục của Triều Tiên trong thời gian gần đây.

Phát biểu với đài Sputnik, tiến sĩ Victor Teo, chuyên gia chính trị tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore đánh giá: "Tổng thống Yoon Suk-yeol đang thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông, đó là đẩy mạnh quan hệ liên minh Mỹ-Hàn bằng cách thắt chặt hợp tác quân sự với Washington. Chính điều này đã dẫn đến những cảnh báo cứng rắn từ phía Triều Tiên, đồng thời Bình Nhưỡng cũng liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa ngay sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận với quy mô lớn nhất từ trước đến nay”.

Số lượng các vụ thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện đã tăng mạnh kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức hồi tháng 5 năm nay.

Bắt đầu từ tháng 8/2022, Washington và Seoul đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quy mô lớn. Trong khi đó, Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án các cuộc tập trận quân sự chung giữa Seoul và Washington là cuộc diễn tập cho hành động xâm lược. Đáp lại, 2 nước đồng minh nhấn mạnh các cuộc tập trận chỉ mang tính chất phòng thủ.

Mỹ-Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung không quân hôm 31/10. Ảnh: Reuters
Mỹ-Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung không quân hôm 31/10. Ảnh: Reuters

"Tôi hy vọng rằng những tuyên bố cảnh báo cứng rắn và các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên sẽ chấm dứt sau khi Mỹ-Hàn kết thúc cuộc tập trận không quân chung “Vigilant Storm”, trừ trường hợp Bình Nhưỡng lấy lý do này để thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 7, hoặc Seoul tiếp tục kéo dài cuộc tập trận chung với Washington” - chuyên gia Teo cho hay.

Tuy nhiên, trên thực tế, kịch bản thứ hai mà  chuyên gia Teo đề cập đến đã xảy ra. Theo kế hoạch, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ​​sẽ kết thúc vào ngày 4/11, tuy nhiên, Washington và Seoul đã quyết định kéo dài các cuộc tập trận quy mô lớn với lý do Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo hôm 3/11.

Nhà khoa học chính trị này cho rằng tình hình tại bán đảo Triều Tiên leo thang trong thời gian gần đây một phần cũng do quan điểm cứng rắn của chính phủ Hàn Quốc.