Vì sao chiến dịch phản công của Ukraine khiến phương Tây thất vọng?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương Tây cho rằng chiến dịch phản công đang diễn ra của Ukraine kém hiệu quả do quân đội nước này bố trí binh lực không hợp lý.

Các binh sĩ Ukraine thuộc lữ đoàn 28 ở tiền tuyến gần thành phố Bakhmut. Ảnh: AP
Các binh sĩ Ukraine thuộc lữ đoàn 28 ở tiền tuyến gần thành phố Bakhmut. Ảnh: AP

Tờ New York Times dẫn phân tích của giới chức Mỹ và Anh cho rằng, mục tiêu chính của Kiev là tiến tới Biển Azov nhằm cắt đứt tuyến đường bộ quan trọng nối bán đảo Crimea và Nga. Tuy nhiên, quân lực Ukraine hiện được bố trí nhiều hơn tại mặt trận phía Đông, đối diện thành phố Bakhmut, hơn là mặt trận quan trọng ở phía Nam.

Quan chức Mỹ và Anh tỏ ra "bối rối" khi Ukraine nhất quyết duy trì một lượng lớn quân số ở phía Đông trong khi phương Tây yêu cầu một chiến lược rõ ràng và nhất quán.

Giới chức phương Tây giải thích thêm rằng mặc dù về mặt lý thuyết, Kiev có đủ quân để giành lại thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, điều này sẽ "dẫn đến tổn thất lớn mà lợi ích chiến lược thu về rất ít".

New York Times cho biết: "Các cố vấn của Mỹ khuyên Ukraine nên tập trung tiến về phía Melitopol và chọc thủng các bãi mìn, các tuyến phòng thủ khác của Nga dù phương án này có thể gây tổn thất nhất định về mặt vũ khí và binh sĩ".

Trong khi đó, tờ Financial Times (FT) của Anh hôm 20/8 đưa tin, giới chức Mỹ được cho là muốn Ukraine tập trung hoàn toàn cho mũi tiến công ở phía Nam, thay vì tiến công rải rác như hiện nay.

Tờ FT tiết lộ, Mỹ muốn Ukraine tiến công mạnh hơn ở tiền tuyến vùng Zaporizhzhia, thay vì phân tán lực lượng dọc tiền tuyến dài gần 1.000km.

"Giới chức Mỹ muốn Ukraine lựa chọn cách tiếp cận bớt rủi ro hơn, tập trung cho một mũi tiến công duy nhất thay vì 3 mũi tiến công như hiện nay" - báo Anh viết.

Họ tin rằng đây là cách phù hợp nhất để giúp Ukraine đạt mục tiêu chia cắt tuyến đường bộ kết nối bán đảo Crimea với vùng Donbass.

Theo FT, các quan chức Mỹ ngày càng thất vọng với cách Ukraine phản công và hoài nghi về việc liệu Kiev có thể đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trong năm nay hay không.

Trong cuộc điện đàm ngày 10/8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cùng người đồng cấp Anh Tony Radakin và Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu Christopher Cavoli kêu gọi Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny tập trung vào mặt trận phía Nam. Ông Zaluzhny được cho là đã đồng ý với đề nghị này.

Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thị sát chiến trường Soledar gần Bakhmut, thăm tiểu đoàn Azov để trình bày về tầm quan trọng của mặt trận phía Đông.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, sau 2 tháng phản công, lực lượng Kiev đã tổn thất khoảng 45.000 binh sĩ và hơn 5.000 phương tiện mà không thể xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của Moscow.

Tờ New York Times cho biết Ukraine đã bắt đầu tái triển khai quân lực ở phía Nam. Tuy nhiên, quá trình phục hồi cho những đơn vị dày dặn kinh nghiệm nhất cũng không đơn giản sau khi phải nhận thương vong nặng nề.

Một quan chức Mỹ giấu tên cảnh báo: "Kiev buộc phải có sự thay đổi đáng kể về mặt chiến thuật, khi đó tiến độ của chiến dịch phản công mới có thể thay đổi".

Trong khi đó, tờ New York Times trích dẫn nhận định của một chuyên gia khác nói rằng, "thời điểm hiện tại đã quá muộn để Ukraine có thể đảo chiều cuộc phản công".

Kiev hiện phải dùng đến các lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng. Các nhà phân tích phương Tây lo ngại lực lượng Ukraine có khả năng đạt tới giới hạn vào giữa tháng 9.

Tờ Washington Post hôm 20/8 cho biết, cuộc phản công của Ukraine đang có "dấu hiệu chững lại", không còn nhiều thời gian để Kiev tiếp tục duy trì phản công vì yếu tố thời tiết.

Ukraine đã phát động chiến dịch phản công lớn vào đầu tháng 6. Mặc dù được phương Tây trang bị thêm nhiều vũ khí, song chiến dịch phản công của Ukraine đến nay chưa đạt được đột phá. Nhiều vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ như xe tăng, xe chiến đấu bọc thép đã bị phá hủy.

Điều này buộc Kiev phải điều chỉnh chiến thuật phản công nhằm hạn chế tổn thất, trong khi tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ các máy bay chiến đấu hiện đại để tăng cường năng lực phòng không yểm trợ lực lượng mặt đất.