Hàng Việt Nam chiếm 17%
Khảo sát top mặt hàng được tìm mua từ các sàn TMĐT thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và click vào sản phẩm, iPrice phát hiện, sản phẩm thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% mặt hàng được tìm mua trên 4 sàn TMĐT đa ngành Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ở chiều ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên sàn TMĐT này lại là hàng nhập khẩu.
Đáng lo ngại hơn khi con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Cụ thể, trong thời điểm năm 2020 tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1.200 sản phẩm bán chạy chiếm 20%. Trong đó so sánh giữa các sàn TMĐT, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn TMĐT Sendo đạt tỷ lệ 25% trong số 300 sản phẩm phổ biến là hàng Việt Nam, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).
Tuy nhiên, sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu Việt chỉ còn chiếm 14% sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là Tiki (21%) và Sendo (16%). Báo cáo iPrice ghi nhận hàng Việt lại bán chạy trong danh mục bách hóa online, chiếm tỷ trọng cao trên 2 sàn nội địa, trong đó Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước và Tiki là 63%. Ngoài ra trên 2 sàn này mặt hàng nông sản, đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy.
iPrice cũng đã chỉ ra sự khác biệt giữa các sản phẩm thương hiệu Việt so với sản phẩm nước ngoài trên sàn TMĐT. Theo đó trong khi thương hiệu nước ngoài đẩy mạnh bán hàng trên sàn TMĐT, thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng kênh phân phối này để tiêu thụ sản phẩm.
Doanh nghiệp “quên” sàn thương mại điện tử
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến hàng Việt lép vế trên sàn TMĐT là bởi từ năm 2019 hầu hết sàn TMĐT thuần Việt như Robins.vn, Adayroi.vn, Lotte.vn và vuivui.com đã dừng hoạt động. Hiện trên thị trường TMĐT chỉ tồn tại 4 sàn TMĐT gồm Lazada, Sendo, Tiki, Shopee trong đó sàn TMĐT Lazada của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) còn Shopee là đơn vị thành viên cùa Công ty Sea Limited (Singapore).
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, việc nước ngoài chiếm đến 50% số lượng sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy TMĐT Việt Nam đang bị nước ngoài chi phối giống như siêu thị bán lẻ trực tiếp, có khác chăng chỉ là một cái click chuột. “Nỗi lo hàng Việt bị hàng ngoại nhập "bóp nghẹt" là có cơ sở, bởi khi các tập đoàn TMĐT nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam sẽ kéo theo sự xâm nhập của nguồn hàng giá rẻ”- ông Phú nói.
Lý giải nguyên nhân khiến hàng Việt chiếm tỷ lệ thấp trên các sàn TMĐT, đại diện sàn TMĐT Sendo cho rằng, chất lượng hàng Việt không hề thua kém hàng ngoại nhập, được người tiêu dùng tín nhiệm, nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến việc bán hàng trên "chợ mạng" mà chủ yếu dựa vào kênh hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị…Chủ tịch sàn TMĐT Sen Đỏ Nguyễn Đắc Việt Dũng chia sẻ, Sen Đỏ đã gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống để tiêu thụ sản phẩm, nhưng dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hàng Việt thông qua hình thức này đứt gẫy nên mới tìm cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.
Thực tế cho thấy để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt lên sàn TMĐT tiêu thụ, Tiki là sàn TMĐT duy nhất trong 4 sàn TMĐT bắt buộc người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này vô hình chung làm giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, Sendo phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức các chương trình Gian hàng Việt, xúc tiến đưa nông sản trên cả nước lên sàn TMĐT trong dịch Covid-19. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong mặc dù các sàn TMĐT đã hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên TMĐT đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp nỗ lực triển khai hoạt động này, qua đó thêm kênh tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng đã dần quen mua hàng trên sàn TMĐT và sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. “Nếu các doanh nghiệp không đẩy mạnh bán hàng trên các sàn TMĐT sẽ bỏ lỡ mất một cơ hội phục hồi sau khi dịch Covid-19 được khống chế” - TS Nguyễn Minh Phong nêu rõ.
Ý kiến của chuyên gia cho thấy, mặc dù các sàn TMĐT Việt Nam đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhưng để hàng Việt đủ sức cạnh tranh hàng ngoại nhập đòi hỏi chính từ sự nỗ lực bản thân của doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận các sàn TMĐT.
Hầu hết doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT chỉ chú trọng vào việc làm sao tăng traffic, kéo tương tác của khách hàng vào gian hàng, sản phẩm của mình. Thế nhưng hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đã thay đổi theo hướng chủ động tìm kiếm từ khóa, sản phẩm có giá bán phù hợp với nhu cầu. Trong thời gian tới doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh bởi đây chìa khóa giúp hàng Việt bật lên so với các đối thủ đến từ nước ngoài Nguyễn Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo |