Dữ liệu từ Tổ chức xếp hạng FiinRatings cho thấy, chỉ tính riêng với 10 giao dịch huy động vốn ngoại được công bố gần đây đã có tổng giá trị 1.915 tỷ USD. Các thương vụ này gồm: Tập đoàn Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Chứng khoán VNDirect (75 triệu USD), F88 (60 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), Tập đoàn Novaland (40 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD) và Be Group (100 triệu USD).
Để gọi được các khoản vốn ngoại khủng, các DN trong nước cũng phải chấp nhận rất nhiều thách thức. Đó là mức lãi suất huy động có thể sẽ cao hơn các giao dịch huy động thời gian trước do bối cảnh lãi suất tăng cao và chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá được tính thêm. Hiện tỷ giá hối đoái kỳ hạn 1 năm của VND so với USD ở mức 4 - 5%, do đó chi phí vốn nợ thực tế (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) bằng ngoại tệ có thể dao động ở mức 13 - 17% tùy theo kỳ hạn.
Tuy nhiên, đây vẫn là một diễn biến khá tích cực trong bối cảnh các kênh huy động vốn trong nước bị thắt chặt. Mới đây nhất, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa hoàn tất giải ngân cho VPBank khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương gần 3.700 tỷ đồng. Khoản vay từ IFC có kỳ hạn 5 năm, sẽ được VPBank bổ trợ cho danh mục cho vay các DN vừa và nhỏ (SME), DN do phụ nữ làm chủ, cùng nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, việc IFC tin tưởng và giải ngân khoản vay 150 triệu USD cho VPBank một lần nữa khẳng định năng lực và uy tín của ngân hàng này trên trường quốc tế. Là một ngân hàng năng động, đổi mới và sáng tạo, VPBank luôn không ngừng tìm kiếm các nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ đầu tư và phát triển sản xuất - kinh doanh của nhiều khách hàng DN - đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ hiện chiếm tới 90% DN trên cả nước. Qua đó chung tay giúp Chính phủ ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch.
Trước đó, VPBank đã được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4, từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Tháng 11, VPBank cũng đã ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD với 5 định chế tài chính lớn của thế giới là ADB, SMBC, JICA, ANZ Maybank Securities Pte. Ltd.
Việc các DN trong nước thành công trong huy động vốn quốc tế cũng cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các DN lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng. Hoạt động huy động vốn vẫn có thể diễn ra và mức độ rủi ro được phản ánh vào lãi suất. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số DN.