Vì sao lãi suất tiết kiệm quay đầu tăng?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ cuối tháng 5/2024, một đợt tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu được các ngân hàng thương mại áp dụng. Những ngày gần đây, lãi suất đầu vào tăng trên dưới 1%/năm.

Dự báo, lãi suất huy động sẽ tăng thêm từ 0,5 - 1%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024.

Như vậy, sau thời gian dài thừa vốn, lãi suất huy động xuống đáy, các ngân hàng đã quay đầu điều chỉnh lãi suất đi lên. Lãi suất huy động tăng không chỉ do tín dụng hồi phục, ngân hàng cần phải bổ sung thanh khoản để phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế, mà còn do áp lực tỷ giá.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng tăng vọt, phát tín hiệu về cầu thanh khoản trong tháng 5. Cụ thể, trong tuần từ 20 - 24/5, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn tại hầu hết các phiên. Chốt ngày 24/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm là 5,15%/năm, tăng 1,20 điểm phần trăm; 1 tuần là 5,28%/năm, tăng 1,06 điểm phần trăm; 2 tuần là 5,35%/năm, tăng 0,95 điểm phần trăm; 1 tháng là 5,45%/năm, tăng 0,80 điểm phần trăm.

Theo nhiều đánh giá, khả năng từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý, song mức tăng không nhiều.

Lý giải về việc nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian ngắn trở lại đây đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, một chuyên gia cho rằng, việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Mặt khác, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn dài cao hơn so với kỳ hạn ngắn còn giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.

Tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết năm ngoái là 13,5 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với một năm trước đó. Lượng tiền gửi vào hệ thống trong năm ngoái tăng mạnh như vậy, chủ yếu là do lãi suất tiết kiệm từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 neo ở mức cao, có thời điểm lên tới 9,5 - 10%/năm.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm liên tục và hiện đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, kéo theo lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng giảm xuống. Tiết kiệm kém hấp dẫn, tiền chảy sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là vàng. Vì thế, trong bối cảnh cầu tín dụng vẫn yếu, việc tăng lãi suất đầu vào để thu hút tiền gửi là khó tránh.

Chuyên gia Công ty CP Quản lý quỹ Dragon Capital cũng cho rằng, sau mức giảm mạnh 70 - 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30 - 50 điểm cơ bản trong các tháng tới.

Đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá khoảng 5%, bằng với mức dự báo cả năm. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, tỷ giá tăng thời gian vẫn nằm trong mức cho phép, tuy nhiên, áp lực về việc giá đồng USD đi lên kéo VND mất giá là có thật. Chính vì áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự quá lạc quan có thể không tốt. Đây cũng không phải "liều thuốc tiên" để hỗ trợ cho đồng nội tệ.

Về việc tăng lãi suất tiết kiệm lần này có kéo lãi suất cho vay đi lên hay không, chuyên gia cho rằng, khó tác động mạnh đến lãi suất cho vay. Bởi cầu tín dụng còn đang yếu. Nhiều khả năng, một số ngân hàng sẽ chấp nhận áp dụng mức lãi suất cho vay ngang giá vốn và bù đắp phần nào đó từ các loại phí, dòng tiền gửi không kỳ hạn...

Thực tế, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục... nhằm kích cầu tín dụng. Vì thế, về điều hành, khi áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao nên NHNN sẽ thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai.