Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Nga -Trung bắt tay nhau tại Bắc Cực khiến NATO lo ngại?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia nhận định, Bắc Cực hiện đang là khu vực chứng kiến sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc.

Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Nguyên soái Ustinov của Hải quân Nga tham gia cuộc tập trận ở Biển Barents, Nga, vào ngày  26/1/2022.  Ảnh: Reuters
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Nguyên soái Ustinov của Hải quân Nga tham gia cuộc tập trận ở Biển Barents, Nga, vào ngày  26/1/2022.  Ảnh: Reuters

Nga và Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban chung để phát triển Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) tại Bắc Cực, Giám đốc Tập đoàn hạt nhân Rosatom Alexei Likhachev tiết lộ với hãng tin Sputnik hôm 18/5.

Theo ông Likhachev, Rosatom sẽ chịu trách nhiệm quản lý các dự án của Moscow, trong khi Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc sẽ giám sát phần công việc của Bắc  Kinh.

"Nhiệm vụ của ủy ban chung Nga - Trung nhằm hỗ trợ các dự án xuyên biên giới của Trung Quốc chạy dọc theo NSR, cũng như một số dự án quan trọng khác trên tuyến đường huyết mạch này” – ông Likhachev cho hay.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 16-17/5, Moscow và Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh rằng hai bên ủng hộ việc phát triển khu vực Bắc Cực ổn định, hòa bình, không có căng thẳng chính trị-quân sự.

Trong những năm qua, Nga và Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác tại Bắc Cực trên nhiều lĩnh vực, bao gồm phát triển NSR và cơ sở hạ tầng ven biển liên quan, các dự án năng lượng và nghiên cứu khoa học.

Lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua NSR đạt kỷ lục tới 35 triệu tấn kể từ đầu năm 2023. Bắt đầu từ năm 2013, Công ty vận tải biển Trung Quốc COSCO là nhà khai thác quốc tế chính trên NSR, với hơn 100 chuyến trong thập kỷ qua.

Tuyến đường Biển Bắc dài hơn 5.500 km nối giữa Biển Barents và Eo biển Bering. NSR là tuyến đường ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á, cũng như tuyến đường biển ngắn nhất giữa vùng Viễn Đông của Nga và  châu Âu.

Trong thập kỷ qua, ước tính Trung Quốc đã đầu tư hơn 90 tỷ USD vào các dự án năng lượng và khoáng sản ở vùng Bắc Cực, chủ yếu tại Nga.

Tàu phá băng hộ tống tàu chở hàng dọc Tuyến đường biển phía Bắc. Ảnh: Rosatom
Tàu phá băng hộ tống tàu chở hàng dọc Tuyến đường biển phía Bắc. Ảnh: Rosatom

Tuy nhiên, cơ quan tình báo tư nhân của Mỹ gần đây cảnh báo, việc  tăng cường hợp tác Nga - Trung ở Bắc Cực có thể ảnh hưởng đáng kể đến an ninh của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, ông Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO, nói rằng liên minh này đang ngày càng lo ngại về hoạt động vận chuyển hàng hải của Trung Quốc trên NSR của Nga.

Theo hãng tin Bloomberg, quan chức NATO cảnh báo động thái này có thể là tiền đề cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Theo ông Bauer, NATO lo ngại về các mục đích của Trung Quốc do mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của nước này với Nga, bao gồm cả hợp tác về năng lượng và vận tải đã dẫn tới sự gia tăng các chuyến hàng dầu thô của Nga đến Trung Quốc qua vùng biển Bắc Cực.

Những lo ngại tương tự cũng đã được các thành viên Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ nêu ra tại phiên điều trần vào cuối năm 2023.

Bắc Cực từ lâu đã chứng kiến các hoạt động tăng cường quân sự mạnh mẽ và là khu vực gây căng thẳng giữa Nga và các nước NATO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 24/4 đã cảnh báo, các cuộc tập trận của NATO ở Phần Lan, diễn ra từ ngày 26/4 đến 14/,5 mang tính chất khiêu khích và làm tăng nguy cơ có thể xảy ra các sự cố quân sự. Theo bà Zakharova, Nga đang theo dõi chặt chẽ những “hành động gây hấn” tập thể của phương Tây.

Trong những năm gần đây, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc NATO gia tăng hoạt động quân sự ở Bắc Cực, cảnh báo nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn trong khu vực.

Nga cũng tuyên bố sẵn sàng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu hoạt động của tổ chức này không đáp ứng được lợi ích của Nga.  

Hội đồng Bắc Cực, được thành lập vào năm 1996, gồm 8 quốc gia Bắc Cực: Mỹ, Canada, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Nga. Hội đồng từ lâu đã được coi là diễn đàn quan trọng cho sự hợp tác giữa phương Tây và Nga, đưa ra các thỏa thuận ràng buộc về bảo vệ và bảo tồn môi trường.

7 quốc gia phương Tây - hiện đều là thành viên NATO - đã tạm dừng hợp tác với Nga sau khi bùng phát chiến sự tại Ukraine, khiến 1/3 trong tổng số 130 dự án của Hội đồng Bắc Cực bị đình trệ vì không có sự tham gia trực tiếp của Nga. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Hội đồng có thể sụp đổ hoàn toàn, gây nguy hiểm cho an ninh Bắc Cực và làm suy yếu các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn khu vực.