Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, tình trạng đường cao hơn nhà dân đã tồn tại từ trước khi thực hiện dự án. Xây nhà dưới chân đê Nút giao Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái đang trong quá trình mở rộng, trong đó có tuyến đường Trần Khát Chân kéo dài, đoạn qua phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng vốn là con đê. Bà Nguyễn Thị Minh, sống tại tổ dân phố 1C, phường Thanh Lương cho biết: “Trước khi có dự án mở đường thì nhà dân đã nằm hút sâu dưới dốc. Lối đi lên đê rất ít và nhỏ hẹp, thậm chí nhiều ngõ chỉ vừa cho 2 người đi bộ lách qua nhau, rất bất tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân”. Đoạn đường này càng đi về phía đê Nguyễn Khoái, độ cao càng nhích dần lên, có chỗ nhà dân thấp hơn mặt đường đê đến 5m. Người dân phải di chuyển bằng đường gom, đường nhánh để lên đê, đi lại khó khăn, luôn trong cảnh ùn tắc, bụi bặm.
Nhằm giải tỏa điểm nóng giao thông qua khu vực này, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái), tổng mức đầu tư 1.139 tỷ đồng, đi qua địa bàn 4 phường thuộc quận Hai Bà Trưng gồm: Thanh Nhàn, Thanh Lương, Bạch Đằng và Đống Mác. Đoạn đường có điểm đầu ở ngã tư phố Lò Đúc - Trần Khát Chân và điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái, chiều dài khoảng 570m, bề rộng mặt đường khoảng 50m. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc từ ngã tư Trần Khát Chân - Lò Đúc đến Nguyễn Khoái. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng dự án 2, Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn (Ban Tả Ngạn) cho biết: “Bởi đặc thù của tuyến đường đê nên khi triển khai thi công dự án, các nhà thiết kế quy hoạch đã có tính toán kỹ việc hạ cốt nền đường đến mức thấp nhất có thể, nhằm đảm bảo độ dốc phù hợp, an toàn cho lưu thông. Đồng thời hạn chế tối đa độ cao chênh lệch giữa nền nhà dân với đỉnh hè thiết kế”. Theo thiết kế đó, chủ đầu tư đã phải chia tuyến đường thành 2 cấp (một bên cao, một bên thấp) để đảm bảo độ chênh phù hợp. Thực tế, sau khi thi công xong, nền nhà dân thấp nhất so với đỉnh hè chỉ còn 3,5m (trước đây là 5m). “Với một đường dẫn lên đỉnh đê phải đảm bảo độ dốc an toàn cho lưu thông, do đó việc nhà dân vẫn thấp hơn mặt đường sau khi mở rộng tuyến này là bất khả kháng” - ông Sơn nhấn mạnh. Qua đó, có thể trường hợp một số hộ dân nằm sát chân đường Trần Khát Chân kéo dài, khi nhìn từ trên cao thấy lọt thỏm, chỉ nhô lên phần mái là điều khó tránh khỏi. Sửa ngõ “tạm” cho dân Liên quan đến thông tin về việc người dân phải tự làm bậc thang bằng bao cát, gạch xếp, ván gỗ…, ông Sơn cho biết: “So với trước đây, số lượng ngõ đã được tăng thêm. Chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, vừa mở thêm vừa xây lại đàng hoàng các ngõ do người dân tự tạo”. Xác nhận điều này, bà Nguyễn Thị Minh (tổ dân phố 1C) bày tỏ: “Chủ đầu tư không vô trách nhiệm. Các ngõ được giúp xây lại chắc chắn, có đường cho xe máy lên xuống”. Rõ ràng, việc mở rộng đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái) đã tạo ra một con đường khang trang hiện đại, góp phần giải tỏa UTGT trong khu vực. Hơn nữa, hầu hết người dân đã đồng tình ủng hộ với phương án thi công và các thông số kỹ thuật do chủ đầu tư đưa ra. Về việc chốt tiến độ tuyến đường này, ông Sơn khẳng định, đến ngày 30/6, Ban Tả Ngạn sẽ bàn giao công trình cho TP. Do vậy, để khi đưa vào sử dụng có sự đồng bộ, thống nhất cảnh quan hai bên đường, ngay lúc này, chính quyền quận Hai Bà Trưng và các phường sở tại phải hướng dẫn cho người dân các thủ tục xây, sửa, tránh xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo, trường hợp nào đủ điều kiện thì nhanh chóng cấp phép cho người dân sửa chữa, nâng cao nhà cửa. Từ năm 2013, Sở QH-KT Hà Nội đã ban hành Quy định tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái). Như vậy, căn cứ pháp lý đã có, người dân thì đang mong mỏi được cấp phép sửa chữa, xây dựng nhà, tất cả chỉ còn chờ chính quyền vào cuộc.
Một ngõ đi chung được xây dựng lại cho người dân sống dưới chân đê Trần Khát Chân. |