Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao nỗi ám ảnh “thảm họa” từ các khu đô thị lớn?

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2002, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra vụ “thảm họa” cháy Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) khiến 60 người chết. Đúng 20 năm sau, tại tỉnh Bình Dương, lại xảy ra vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 33 người chết (tính đến 23 giờ ngày 7/9). Vậy nguyên nhân từ đâu?

Hiện trường vụ cháy cơ sở Karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương) đêm 6/9/2022.
Hiện trường vụ cháy cơ sở Karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương) đêm 6/9/2022.

Hỏa hoạn phần lớn từ sự cố thiết bị điện

Hai vụ cháy ở hai thời điểm, không gian, vị trí, quy mô… đều khác nhau, nhưng tính chất sự việc là như nhau: Thảm họa chết người tiềm ẩn trong môi trường sống đô thị công nghiệp, đông đúc và dịch vụ kinh doanh giải trí liên quan đến thiết kế tòa nhà kín.

Hiện trường vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế ITC năm 2002 khiến 60 người bị thiệt mạng.
Hiện trường vụ cháy Trung tâm thương mại Quốc tế ITC năm 2002 khiến 60 người bị thiệt mạng.

Tòa nhà ITC có 6 tầng lầu, diện tích sàn 6.500m2, có tổng 59 phòng cho thuê, một trung tâm mua sắm với 172 quầy mua bán vàng bạc đá quý. Ngoài ra, tòa nhà còn có một vũ trường tên Blue, sân trượt băng và nhà hàng, căng tin.

Đại tá Lê Tấn Bửu - nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, thời điểm đó, ông chỉ huy đội cứu hỏa cho thành lập ngay 3 đội trinh sát với 20 người. Ông cho lính đập tường khu vực tầng 3 của tòa nhà, từ phía mặt đường Lê Lợi, đưa nước vào sâu trong tòa nhà để khống chế ngọn lửa.

Nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn phát sinh khi hàn các bulong định vị trên trần buổi chiều ngày xảy ra hỏa hoạn. Thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm, từ nhiệt độ cao gây cháy lan nhanh và cháy lớn. Sau khi đám cháy lan rộng, thợ hàn không kiểm soát được đám cháy, đã đóng cửa phòng xảy ra cháy và để mặc cho đám cháy tiếp tục phát triển.

Còn đối với cơ sở karaoke An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có diện tích sàn khoảng 1.500m2 (bằng khoảng 1/4 tòa nhà ITC) với 3 tầng (bằng 1/2 số tầng của tòa nhà ITC) và 1 sân thượng. Toàn bộ quán có khoảng 30 phòng karaoke. Thời điểm xảy ra vụ cháy có khoảng 10 phòng hát karaoke đang hoạt động. Theo nhận định ban đầu từ cơ quan chức năng, ngọn lửa bắt cháy do sự cố chập điện.

Hiện trường vụ cháy cơ sở karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương), ảnh chụp ngày 7/9/2022
Hiện trường vụ cháy cơ sở karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương), ảnh chụp ngày 7/9/2022

Vụ cháy ITC ngọn lửa xuất phát từ khu vực tầng 2 của tòa nhà, ngọn lửa cháy lan nhanh chóng lên các tầng trên khiến cho mọi người phải tìm cách rút lên sân thượng. Còn vụ cháy cơ sở karaoke lửa cũng xuất phát từ tầng 2 khiến cho nhân viên và khách hát không thể thoát xuống phía dưới tầng 1 được.

Từ hai vụ việc trên cho thấy nguồn cháy lửa xuất phát từ sự cố sơ xuất trong khâu kỹ thuật hàn xì sửa chữa và chập điện gây cháy lớn. Từ đó, dẫn đến số đông trong cùng một thời điểm bị hoảng loạn và không tìm ra lối thoát. Một số người cố nhảy khỏi các tầng lầu dẫn đến thương tích nặng.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07) Bộ Công an, tính từ tháng 1 đến 7/2022, toàn quốc xảy ra 1.002 vụ cháy, làm chết 47 người, bị thương 45 người. Trong đó, có 5 vụ cháy xảy ra tại cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke. Nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn phần lớn xuất phát từ sự cố hệ thống, thiết bị điện. 

Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý và chuyên môn

Tại các đô thị lớn hiện nay phát sinh mạnh mẽ loại hình kinh doanh quán bar, vũ trường, karaoke… nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi cho số đông người dân. Tuy nhiên, đặc thù các địa điểm vui chơi, giải trí này sử dụng tiêu tốn nguồn điện, nguồn nhiệt rất lớn. Cùng với đó hoạt động âm thanh sôi động, hệ thống đèn laze, đèn điện hoạt động liên tục với công suất cao.  

Theo ông Lê Tấn Bửu, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các cơ sở thuộc khu vực đô thị lớn, đông đúc với những nhà hàng, quán bar, karaoke, trung tâm hội nghị… thường là do thiết kế không đảm bảo an toàn về PCCC.

Đặc biệt các quán bar, karaoke đều có kết cấu không gian kín, bố trí nhiều thiết bị điện công suất lớn dễ dẫn tới chập điện, quá tải điện. Việc lắp hệ thống cách âm, trang trí bằng nhiều vật liệu dễ bắt lửa. Bên cạnh đó, việc sửa chữa công trình nếu không cũng là một trong những tiềm ẩn không đảm an toàn về PCCC.

Thảm họa vụ cháy cơ sở Karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương) đêm 6/9/2022.
Thảm họa vụ cháy cơ sở Karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương) đêm 6/9/2022.

"Đây là vấn đề rất lớn đặt ra trong công tác PCCC tại các khu vực đô thị lớn, đông dân cư. Để đánh giá và đề ra hướng khắc phục, mang lại niềm tin và sự an tâm cho mọi người dân trong quá trình tham gia các điểm vui chơi, giải trí, các cơ quan chức năng cần có một sự rà soát đánh giá lại thật kỹ" - ông Lê Tấn Bửu nói.

Từ 2 vụ cháy ITC ở TP Hồ Chí Minh và cơ sở karaoke An Phú ở Bình Dương cho thấy, còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm để bổ sung vào trong nghiệp vụ PCCC và cứu hộ cứu nạn, cũng như cần tính toán lại mức độ an toàn của lực lượng chức năng PCCC. Cần nâng cao trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm soát, nhất là các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC.

Nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh Lê Tấn Bửu nhìn nhận: "Để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn PCCC ở những khu đô thị lớn, trách nhiệm không phải riêng của cảnh sát PCCC, mà cần sự vào cuộc nghiêm túc từ các cơ quan quản lý nhà nước khác về kiến trúc, kết cấu và xây dựng…".