Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao OPEC+ có thể phải trì hoãn tăng sản lượng trong năm 2021?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu đang xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm 2021.

Giá dầu đã phục hồi mạnh trước thông tin tích cực về vaccine Covid-19, song Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+ chưa thể lạc quan và đang xem xét trì hoãn việc tăng nguồn cung từ đầu năm 2021 để giúp thị trường cân bằng hơn.
OPEC+ đang xem xét hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong năm 2021.
“Làn gió ngược” từ đợt bùng phát Covid-19 thứ hai
Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong các phiên giao dịch gần đây. Đặc biệt, kết quả thử nghiệm thành công hơn 90% của vaccine ngừa Covid-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phát triển khiến thị trường hàng hóa sôi động trở lại, đẩy giá dầu tăng mạnh trên 14%, vượt ngưỡng 45 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 8.
Tuy nhiên, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ do Ả Rập Saudi và Nga dẫn đầu đang xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 2% nhu cầu toàn cầu, vào tháng 1/2021 để hỗ trợ thị trường. Các quốc gia thành viên OPEC+ nhận định rằng việc triển khai vaccine tới hàng tỷ người trên thế giới sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này đồng nghĩa tình hình triển vọng phục hồi dầu thô sẽ không thể đảo ngược trong vòng 6 tháng tới.
Đàm phán giữa OPEC và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, đang nghiêng về phương án hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2021. Thậm chí, các bộ trưởng dầu mỏ của Nga và OPEC còn đề cập đến phương án tiếp tục giảm sản lượng sâu hơn nữa. Hiện OPEC+ đang giảm sản lượng khoảng 7,7 triệu thùng/ngày, tương đương 8% tổng sản lượng của cả thế giới. Nhóm OPEC+ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách điều hành sản lượng vào cuối tháng này.
Theo đánh giá mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ít nhất đến cuối quý II/2021, vaccine ngừa Covid-19 sẽ không có tác động đến nhu cầu dầu thế giới. IEA đã hạ triển vọng nhu cầu dầu thế giới ngắn hạn xuống thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong quý IV/2020 và 0,7 triệu thùng/ngày trong quý I/2021 do làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát khắp thế giới, khiến nhiều nước châu Âu đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Ám ảnh nỗi lo dư cung toàn cầu
Ngày 17/11, Ả Rập Saudi đã kêu gọi các thành viên OPEC+ linh hoạt trong chính sách điều hành sản lượng, hướng tới áp dụng việc thắt chặt nguồn cung từ đầu năm tới để ứng phó với nhu cầu suy giảm trong bối cảnh tái bùng phát đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Theo Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Suhail Al Mazrouei, các nước OPEC+ nên đồng thuận với quan điểm hủy bỏ kế hoạch tăng sản lượng từ đầu năm tới khi một số quốc gia thành viên sẽ phải hoàn thành việc cắt giảm theo quota vào cuối năm nay.
OPEC và các nước đồng minh đang nghiêng về phương án hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2021. 
Bên cạnh lo ngại về nhu cầu suy yếu, OPEC cũng không thấy hài lòng về việc một số nước được miễn trừ ký thỏa thuận giảm nguồn cung dầu mỏ nhưng vẫn tăng sản lượng khai thác. Điển hình như Libya khi nước này phục hồi sản lượng lên mức cao nhất gần 1 năm. Nguồn cung dầu mỏ tại quốc gia Bắc Phi đã tăng gấp 3 lần đạt mức 450.000 thùng/ngày trong tháng 10 vừa qua và hiện đang bơm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, giới đầu tư dự đoán rằng Iran sẽ xuất khẩu dầu thô trở lại nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chính thức đắc cử Tổng thống Mỹ và tái khởi động chương trình hạt nhân.
Bob McNally - Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group và là cựu quan chức Nhà Trắng cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg: “Đây là thời điểm không thích hợp để OPEC+ tăng nguồn cung dầu mỏ. Họ thực sự gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn kế hoạch này”.