Vì sao sức cạnh tranh của thép Việt vẫn thấp?

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam là khá thấp. Phần lớn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu. Ngoài ra, vẫn tồn tại nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Còn nhiều hạn chế

Báo cáo nêu, đến năm 2021, năng lực sản xuất phôi là 27 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7 - 8 triệu tấn/năm.

Chưa có chính sách đặc thù ngành thép khó phát triển. Ảnh minh họa
Chưa có chính sách đặc thù ngành thép khó phát triển. Ảnh minh họa
 

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD. Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Ngoài một số nhà máy xây dựng mới với công suất lớn như: Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thép Nghi Sơn, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại chủ yếu có công suất nhỏ thiết bị lạc hậu.

Năng lực sản xuất thép còn nhiều hạn chế, hiện nay chủ yếu là các sản phẩm chưa thể cung cấp đủ nhu cầu thép cho toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam là khá thấp, phần lớn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu. Ngoài ra, vẫn tồn tại nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường.

“Ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: Quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước điều chỉnh theo thị trường thế giới”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Nhìn nhận quá trình phát triển gần đây, theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016 - 2021, ngành công nghiệp thép đã có sự phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn. Các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt về giá trị sản xuất và xuất khẩu.

Trong khi đó, các chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là HRC - nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội (CRC), tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu HRC và các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.

Tạo động lực thúc đẩy

Theo Bộ Công Thương, công nghiệp hoá trước hết được xác định bởi sự phát triển nhanh và bền vững của những ngành công nghiệp nền tảng, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ống thép Hòa Phát
Ống thép Hòa Phát

Ngành thép cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng nhất cho các ngành sản xuất, chế tạo, đặc biệt là những ngành như cơ khí, công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô xe máy, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện...

Tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá cơ sở vật chất quốc gia.

“Ngành thép có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, song tại thời điểm hiện tại, chưa có chính sách đặc thù, riêng biệt để thúc đẩy, cũng như định hướng để phát triển ngành thép” - báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký nêu rõ.

Sau khi quy hoạch ngành thép bãi bỏ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, và việc kiểm soát giá cũng được đưa ra khỏi danh mục hàng hóa kiểm soát theo quy định của Luật Giá năm 2012, Nhà nước không có công cụ nên khó đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về ngành thép, không quản lý được năng lực sản xuất, cân đối cung - cầu sản phẩm ngành thép trong nước để cung cấp nguyên liệu, thúc đẩy các ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại hóa.

Để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

Bộ Công Thương vạch ra hướng phát triển chi tiết hơn như: Để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.

Một là, với chủng loại HRC, trong giai đoạn tới cần phát triển đầu tư thêm các dự án sản xuất lớn. Đây là loại thép chiến tỷ trọng lớn trong ngành chế biến chế tạo.

Hai là, với thép hợp kim và đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản.

Bộ Công Thương cũng đề cập tới vấn đề Nhà nước có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép phát triển nhằm hình thành phát triển mạnh ngành luyện kim, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần