Vì sao Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ công tác?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm 24/8 đã đình chỉ ông Prayut Chan-o-cha khỏi chức vụ trong khi xem xét liệu ông đã đạt đến giới hạn nhiệm kỳ 8 năm dành cho thủ tướng.

Hãng tin Reuters cho biết truyền thông Thái Lan hôm nay tường thuật Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ công tác đối với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, trong lúc chờ phán quyết về giới hạn nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bị tạm đình chỉ chức vụ. 
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bị tạm đình chỉ chức vụ. 

Tòa án hiến pháp Thái Lan hôm 24/8 đã đình chỉ ông khỏi chức vụ trong khi xem xét liệu ông đã đạt đến giới hạn nhiệm kỳ 8 năm dành cho thủ tướng.

Hôm 17/8, phe đối lập gồm đảng Vì nước Thái và đảng Tiến bước cho rằng ông Prayuth Chan-o-cha lên nắm quyền kể từ ngày 24/8/2014, do đó tư cách Thủ tướng của ông này sẽ kết thúc vào ngày 24/8/2022.

Phe đối lập cũng đề nghị Tòa án Hiến pháp ra quyết định tạm thời dừng chức vụ Thủ tướng của ông Prayuth nhằm ngăn chặn những phức tạp pháp lý và thiệt hại phát sinh trước khi Tòa ra phán quyết cuối cùng.

Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017 quy định một chính trị gia chỉ có thể làm Thủ tướng Thái Lan trong hai nhiệm kỳ (tức 8 năm), bất kể là hai nhiệm liên tiếp hay ngắt quãng. 

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây với 1.300 người của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia cho thấy 2/3 trong số người được hỏi ủng hộ việc ông Prayut ngay lập tức rời nhiệm sở.  

Cuối tuần qua, hơn 38 tổ chức cũng lên tiếng đòi ông Prayut từ chức. Theo các nhóm này, sau ngày 24/8, dù ông Prayut từ chức hay không và phán quyết của tòa thế nào, thì ông “cũng không còn được công nhận là thủ tướng”.

Chính phủ của ông gần đây đối mặt với những chỉ trích về việc xử lý đại dịch và phát triển nền kinh tế, trong đó Thái Lan ghi nhận thành tích kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1990.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Prayut phải đối mặt với vấn đề liên quan hiến pháp - vào cuối năm 2020, ông từng vượt qua một thách thức pháp lý khi sử dụng dinh thự quân đội.

Sinh năm 1954 trong một gia đình quân nhân ở tỉnh Nakhon Ratchasima, đông bắc Thái Lan, ông Prayut lên nắm quyền năm 2014 sau khi lật đổ chính phủ dân chủ của em gái ông Thaksin là Yingluck Shinawatra. Ông Prayut đã đưa ra thiết quân luật và đứng đầu chế độ quân sự trong 5 năm trước khi nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2019.

Với số phiếu 5:4, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 24/8 đã ra lệnh tạm dừng nhiệm vụ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong khi chờ đợi phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ. Các cơ quan truyền thông Thái Lan đã đưa tin về quyết định nói trên của Tòa án Hiến pháp, đồng thời cho biết Tòa án dự kiến sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức về vấn đề này.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan vừa thông báo Phó Thủ tướng nước này Prawit Wongsuwon sẽ giữ chức Thủ tướng tạm quyền cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về vấn đề nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayut.