Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Thụy Điển vẫn chưa thể gia nhập NATO?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sự ngăn cản từ hai thành viên khiến lộ trình gia nhập Liên minh quân sự lớn nhất thế giới của Stockholm gập ghềnh hơn bao giờ hết.

Từ ngày 11 đến 12/7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Vilnius, Litva. Trước sự kiện quan trọng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về chương trình nghị sự.

Một trong những vấn đề cùng quan tâm là tư cách thành viên của Thụy Điển. Cả hai mong muốn chấp nhận Thụy Điển là thành viên chính thức của NATO trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên mọi thứ đang đặc biệt khó khăn đối với quốc gia Bắc Âu này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Nguồn: Asia Times
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Nguồn: Asia Times

Khó khăn chồng chất

Vào tháng 5/2022, cả Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, tuy nhiên chỉ Phần Lan được chấp nhận trở thành thành viên chính thức.

Giống như Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan, Thụy Điển là một trong bốn quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia – khu vực chiến lược từ lâu đã được NATO hướng đến.

Trong đó, Na Uy và Đan Mạch đã là những thành viên đầu tiên của tổ chức này. Đan Mạch gia nhập NATO vào năm 1949 do Mỹ quan tâm đến xây dựng căn cứ không quân Pituffik trên đảo Greenland thuộc nước này. Với Phần Lan, việc Helsinki được hoan nghênh là do có chung đường biên giới dài 1.338 km với Nga – giúp NATO tăng gấp đôi đường biên giới với Moscow.

Còn với Thụy Điển, việc không được gia nhập NATO là do những xung đột chính trị giữa nước này với  hai thành viên của Liên minh quân sự này là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Mà NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, tức là mọi quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các thành viên đồng ý. Nguyên tắc này càng được áp dụng đối với vấn đề tư cách thành viên.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Stoltenberg cho biết có lẽ quốc gia này lo ngại về sự hiện diện của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thụy Điển. Ông nhấn mạnh tất cả các đồng minh NATO sẵn sàng ngồi xuống và giải quyết những lo ngại đó, gồm cả mối đe dọa PKK đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhớ lại vào năm 2009, khi Thụy Điển giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, thủ tướng Fredrik Reinfeldt khi đó đã hứa sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu. Vào thời điểm đó, mối quan hệ hai bên vẫn diễn ra tốt đẹp.

Tuy nhiên, cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd ở đông nam nước này và miền bắc Syria trong những năm gần đây đã khiến cộng đồng người Kurd lưu vong ở Thụy Điển tức giận phản đối. Hàng loạt các cuộc biểu tình ở Stockholm đã gây ảnh hưởng đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã nhiều lần triệu tập đại sứ Thụy Điển tại Ankara để phàn nàn về vấn đề này.

Mọi chuyện đặc biệt khó khăn hơn khi một hình nộm của ông Erdogan bị Ủy ban Rojava (Chính quyền tự trị Bắc và Đông Syria) của Thụy Điển đốt cháy. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billström cho biết: “Sự kiện diễn ra ngay bên ngoài Tòa thị chính  là điều không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố này là không đủ. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết đất nước của ông chưa có luật chống khủng bố thực sự mạnh và chính phủ của ông đang đàm phán với Ankara để xem xét các biện pháp giải quyết.

Tuy nhiên, ông Erdogan bác bỏ khả năng Thụy Điển được phép gia nhập NATO vào tháng tới.

Với Hungary, Tổng thống Viktor Orban cho biết lý do không phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là quốc gia này đã bày tỏ quan điểm về tính dân chủ và pháp quyền ở Hungary một cách phiến diện.

Ông Orban đang không hài lòng về Thụy Điển khi nước này ủng hộ một báo cáo của quốc hội EU từ tháng 9/2022, trong đó mô tả hệ thống chính trị Hungary là mô hình hỗn hợp giống với chế độ chuyên chế nghị viện.

Budapest cương quyết rằng chỉ khi Thụy Điển thay đổi thái độ, họ mới cho phép nước này gia nhập NATO.