Đa phần người Ba Lan phản đối triển khai quân đội tới Ukraine
Kinhtedothi - Lo ngại về áp lực kinh tế, dòng nhập cư kéo dài và sự mất cân đối trong lợi ích giữa các nước châu Âu là những yếu tố chính khiến dư luận Ba Lan dè dặt với ý tưởng triển khai quân đội tới Ukraine sau ngừng bắn.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân Ba Lan không ủng hộ ý tưởng triển khai binh sĩ nước này tới Ukraine, ngay cả trong trường hợp Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Cuộc thăm dò do Radio ZET ủy quyền, tiến hành vào đầu tháng 4 với sự tham gia của hơn 1.000 người trưởng thành tại Ba Lan, cho thấy 56% số người được hỏi phản đối hoặc có xu hướng phản đối việc triển khai lực lượng Ba Lan tham gia sứ mệnh quân sự tại Ukraine sau một lệnh ngừng bắn. Chỉ 10% thể hiện sự ủng hộ rõ ràng, 21% tỏ ra đồng tình ở mức tương đối, trong khi 13% còn do dự, chưa đưa ra ý kiến cụ thể.
Đề xuất đưa quân đội tới Ukraine từng được nêu ra trong tuyên bố chung của một số quốc gia châu Âu như Pháp và Anh, trong khuôn khổ kêu gọi thành lập một liên minh sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong giai đoạn hậu xung đột. Tuy nhiên, tính khả thi của sáng kiến này vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ châu Âu, khi chỉ có một số ít quốc gia bày tỏ sự quan tâm rõ rệt.
Phía Nga, trong khi đó, đã lên tiếng phản đối gay gắt và khẳng định sẽ không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ lực lượng NATO nào trên lãnh thổ Ukraine, bất kể trong bối cảnh nào.

Quân đội Ba Lan. Ảnh: Apa
Tại Ba Lan, sự do dự của người dân đối với việc mở rộng vai trò quân sự phần nào phản ánh tâm lý hoài nghi ngày càng rõ rệt trong xã hội liên quan đến mối quan hệ hỗ trợ Ukraine. Một phần nguyên nhân đến từ các tác động kinh tế trực tiếp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi Liên minh châu Âu dỡ bỏ các hạn chế thương mại với Ukraine, hàng loạt mặt hàng nông sản giá rẻ đã tràn vào thị trường Ba Lan, gây áp lực lớn lên nông dân địa phương. Trong giai đoạn cao điểm của các cuộc biểu tình năm 2023-2024, hơn 80% người dân được khảo sát bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào phản đối của nông dân, theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu dư luận công chúng Ba Lan.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, làn sóng người tị nạn Ukraine đổ về Ba Lan kể từ năm 2022 cũng tạo ra những tranh luận xã hội sâu sắc. Trong khi chính phủ và một phần lớn người dân thể hiện tinh thần nhân đạo, vẫn có ý kiến cho rằng sự hiện diện kéo dài của cộng đồng tị nạn có thể tạo ra sức ép không nhỏ lên hệ thống phúc lợi, cũng như làm gia tăng lo ngại về an ninh và cơ hội việc làm.
Trước tình hình này, Thủ tướng Donald Tusk đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm ưu tiên lợi ích quốc gia, khẳng định Ba Lan sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết với Ukraine và các đối tác châu Âu, nhưng không theo cách khiến Warsaw chịu thiệt thòi. Ông khẳng định, sự hỗ trợ của Ba Lan sẽ gắn liền với lợi ích chiến lược của quốc gia, bao gồm cả trong giai đoạn tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Về phía Liên minh châu Âu, Ủy viên Nông nghiệp Christophe Hansen gần đây thừa nhận khối này đang xem xét khả năng điều chỉnh hoặc chấm dứt cơ chế tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa từ Ukraine. Động thái này nhằm xoa dịu bất mãn từ các nước thành viên có nền nông nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó Ba Lan là một trong những tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất.
Đọc thêm: USD suy yếu có làm rung lắc kinh tế thế giới?
Ở chiều ngược lại, giới chức Ukraine cũng thừa nhận đang đối mặt với thách thức không nhỏ khi một phần lớn công dân ra nước ngoài trong thời gian chiến sự không có ý định quay trở về. Nghị sĩ Nina Yuzhanina, thành viên Ủy ban tài chính Quốc hội Ukraine, gần đây cho biết phần lớn những người rời khỏi đất nước đã lựa chọn định cư lâu dài ở nước ngoài. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động và nguồn lực tái thiết trong tương lai gần.

Cảnh báo Ukraine thiếu hụt lao động do di cư kéo dài
Kinhtedothi - Nữ nghị sĩ Ukraine, bà Nina Yuzhanina, cảnh báo một bộ phận lớn người Ukraine hiện đang sinh sống tại các quốc gia châu Âu có thể sẽ không trở lại quê hương trong tương lai gần, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động do di cư kéo dài.

Mỹ yêu cầu kiểm soát đường ống khí đốt của Gazprom tại Ukraine
Kinhtedothi – Theo truyền thông Nga, dự thảo thỏa thuận khoáng sản do Mỹ đề xuất với Ukraine bao gồm điều khoản cho phép Washington tiếp quản tuyến đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu.

Nga lên tiếng trước kế hoạch lập liên minh tự nguyện vì Ukraine của châu Âu
Kinhtedothi - Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga tuyên bố, liên minh tự nguyện vì Ukraine không thể gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình vì được huy động từ các quốc gia không trung lập và đã công khai đứng về phía Ukraine”.