Vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở Đức vẫn ổn định dù GDP giảm kỷ lục?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp mức sụt giảm lịch sử của GDP do đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới thay đổi không đáng kể, nhờ vào một chương trình việc làm có nguồn gốc từ thế kỷ trước.

Theo Văn phòng thống kê liên bang Đức, GDP quý II năm nay giảm 10,1% so với quý đầu tiên, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu vào năm 1970. Điều đó tương đương với mức giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ chi tiêu của Chính phủ, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Đức bao gồm xuất - nhập khẩu, đầu tư và chi tiêu hộ gia đình, đều bị giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của EU công bố hôm 30/7, tỷ lệ thất nghiệp của Đức chỉ tăng lên 4,2%, từ mức 3,8% vào cuối tháng 3. Điều đó tương đương với 203.000 việc làm bị mất, nâng tổng số thất nghiệp ở Đức lên 1,86 triệu.
Nó khác xa so với tỷ lệ thất nghiệp 11% của Mỹ. Giống như Đức, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất - giảm 9,5% từ tháng 4 đến tháng 6, tương đương gần 33% với tốc độ hàng năm. Mặc dù đã có thêm 7,4 triệu việc làm trong tháng 5 và tháng 6, Mỹ vẫn giảm gần 12 triệu việc làm kể từ tháng 2, theo Cục Thống kê Lao động. Thất nghiệp của Mỹ ở mức 17,8 triệu trong tháng 6, trong khi khiếu nại thất nghiệp đã tăng trong tuần thứ 2 liên tiếp vào tuần trước - một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nước Mỹ có thể bị đình trệ.
Sự khác biệt lớn về tỷ lệ thất nghiệp này được cho có thể bắt nguồn từ chương trình "Kurzarbeit" của Đức, trong đó tập trung bảo vệ công việc bằng cách cho phép các công ty giảm giờ và tiền lương, sau đó được nhà nước trợ cấp. Chương trình này đã được khai thác thường xuyên để bảo vệ công ăn việc làm ở Đức kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970.
"Khoảng 6,7 triệu lao động Đức hiện đang làm việc theo cách này", nhà kinh tế trưởng Eurozone Carsten Brzeski của ING cho biết.
Đức cũng đã tung ra một trong những gói cứu trợ tài chính mùa Covid-19 lớn nhất châu Âu, với 130 tỷ euro (145 tỷ USD) cho tất cả mọi khoản, từ trợ cấp xe điện đến giảm thuế cho các gia đình có trẻ em. Đó là chưa kể việc nước này đã chi một gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro cho các quốc gia EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng.
"Quý tồi tệ nhất có thể được theo sau bởi quý tốt nhất từ ​​trước đến nay", chuyên gia Brzeski cho thấy sự lạc quan về nền kinh tế Đức, nói thêm rằng nền kinh tế có thể hưởng lợi từ các khách du lịch nghỉ hè trong nước thay vì đi du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên, CNN dẫn lời các nhà kinh tế của Commerzbank, Jörg Krämer và Ralph Solveen, nói rằng đã có một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi ở Đức "đang hụt hơi", bao gồm vận tải hàng hóa - một chỉ số liên quan đến sản xuất công nghiệp. Theo đó, vận tải hàng hóa của Đức cho thấy sự phục hồi đáng kể từ cuối tháng 4, nhưng hầu như không tăng chút nào kể từ giữa tháng 6.
Giải thích điều này, Brzeski cho rằng, sản xuất của Đức dự kiến ​​sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với dịch vụ và xây dựng, bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự yếu kém về kinh tế ở các đối tác thương mại quan trọng, chẳng hạn Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần