Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vị trí cầu Tứ Liên có vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng

Vĩnh Hoàng/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Cây cầu và đường dẫn dài 11,5km, vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh sắp được TP Hà Nội triển khai xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2025.

 

Vị trí sẽ được Hà Nội xây dựng cầu Tứ Liên. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vị trí sẽ được Hà Nội xây dựng cầu Tứ Liên. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên).

Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Theo phương án phê duyệt, cầu Tứ Liên được thiết kế dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.

Vị trí cầu Tứ Liên có vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Điểm đầu dự án từ khu vực đường Nghi Tàm (gần khách sạn Thắng Lợi), quận Tây Hồ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Điểm đầu dự án từ khu vực đường Nghi Tàm (gần khách sạn Thắng Lợi), quận Tây Hồ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dự án nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.000 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đây sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Vị trí cầu Tứ Liên có vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng - Ảnh 2
Tại phía quận Tây Hồ, khu đất xây dựng dự án hiện là khu dân cư và vùng trồng đào quất. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tại phía quận Tây Hồ, khu đất xây dựng dự án hiện là khu dân cư và vùng trồng đào quất. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Sau khi hoàn thiện, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc, hình thành cửa ngõ thứ ba bên cạnh cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố.

Đồng thời phục vụ trực tiếp cho việc phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trung tâm thành phố, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Cầu nối từ khu vực đường Nghi Tàm, gần khách sạn Thắng Lợi (quận Tây Hồ) với xã Đông Hội (huyện Đông Anh). Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cầu nối từ khu vực đường Nghi Tàm, gần khách sạn Thắng Lợi (quận Tây Hồ) với xã Đông Hội (huyện Đông Anh). Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trao đổi với Lao Động ngày 20.5, anh Trần Quý Hoàng (32 tuổi, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) cho biết, nhu cầu di chuyển của người dân từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc là rất lớn, tuy nhiên số cây cầu, tuyến đường lại chưa đáp ứng đủ, dẫn đến vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

"Mong muốn cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sớm triển khai để việc di chuyển của người dân thuận lợi hơn", anh Hoàng nói.

Phối cảnh cầu Tứ Liên sau khi được hoàn thiện. Ảnh: Đơn vị thiết kế
Phối cảnh cầu Tứ Liên sau khi được hoàn thiện. Ảnh: Đơn vị thiết kế

Trước đó, vào tháng 1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Theo biên bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó tập trung vào 2 dự án là cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng và tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc.