Chính vì vậy, việc quản lý hè phố, giữ gìn trật tự đô thị của Thủ đô cần phải được tiếp cận theo một hướng thực tế và toàn diện hơn, không thể cứng nhắc, đẩy cái khó cho người dân.
Vỉa hè phải được ưu tiên dành cho người đi bộ. Điều đó đã được quy định rõ trong luật và luôn là kim chỉ nam cho chính sách quản lý đô thị của Hà Nội. Thực tế là những năm qua, TP đã dành rất nhiều thời gian, nguồn lực cho việc giữ gìn trật tự trên hè phố, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, gây khó khăn cho việc lưu thông.
Nhưng chuyện dẹp vỉa hè vẫn luôn luẩn quẩn trong một vòng lặp, nay đuổi mai lại tái diễn. Có biết bao người dù mỗi ngày phải mang vác bàn ghế, ấm chén, xe cộ, quang gánh… bỏ chạy khi nhác thấy bóng công an, nhưng ngay khi vắng bóng lực lượng chức năng lại trở lại bán hàng như cũ. Đó là bởi họ không còn con đường sống nào khác, sinh kế của họ gắn chặt với vỉa hè.
Giả sử Hà Nội có thể dẹp hết mọi vi phạm trên vỉa hè, thì những con người không có nghề nghiệp ổn định, không có vốn liếng để thuê mua cửa hàng, họ sẽ đi về đâu? Phải làm gì để kiếm sống? Liệu họ có vì bần cùng mà sinh “đạo tặc”, trở thành nguy cơ mất an ninh, trật tự cho TP?
Hơn nữa, đường phố Hà Nội có rất nhiều tuyến vỉa hè rộng rãi, có thể phân chia thành nhiều khu vực với mục đích sử dụng khác nhau, vừa đáp ứng không gian đi bộ, vừa có thể tận dụng để kinh doanh. Nếu không khai thác hết sẽ là một sự lãng phí đáng tiếc.
Mặt khác, với những khu vực vỉa hè đủ điều kiện, cho thuê kinh doanh, trông giữ phương tiện cũng là một cách để quản lý ngăn nắp, hiệu quả. Chính những người được thuê sẽ góp phần quan trọng, là lực lượng chủ công đảm bảo trật tự, văn minh, vệ sinh môi trường trên hè phố.
Việc chính quyền TP Hà Nội nghiên cứu chính sách, cơ chế cho thuê một phần vỉa hè để kinh doanh buôn bán là cách tiếp cận toàn diện hơn cả, được đông đảo người dân ủng hộ, đặc biệt những người dân nghèo, phải bám trụ trên vỉa hè vì cơm áo, mưu sinh. Tất nhiên đây đó vẫn còn những ý kiến trái chiều, những lo ngại việc cho thuê vỉa hè là phạm luật hoặc sẽ bị biến tướng.
Chính vì vậy, việc cho thuê vỉa hè của Hà Nội cần phải được làm chặt chẽ, bài bản, phân vùng rõ ràng, và quan trọng nhất là hướng đến lợi ích cho người dân.
Phải làm sao để người dân thấy được sự hợp lý từ chủ trương đến thực hiện, không có lợi ích nhóm, không gạt người dân sang một bên; không cho thuê đại trà mà chỉ tập trung vào những tuyến hè phố đủ điều kiện. Chính sách quản lý, cho thuê vỉa hè phải được xây dựng chỉn chu, dễ tiếp cập với mọi tầng lớp Nhân dân, và mang đến sự ổn định lâu dài.