Quan điểm này được nhấn mạnh và thể hiện rõ tại hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết quan trọng này.
Đây là lần đầu tiên Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng chủ trì tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một Nghị quyết về phương hướng, phát triển Thủ đô với sự tham gia của hơn 34.000 cán bộ từ T.Ư đến cơ sở. Đây cũng không phải là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị để phát huy tối đa vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của Thủ đô Hà Nội, nhưng đây là Nghị quyết có nhiều điểm mới.
Điển hình như thời gian thực hiện Nghị quyết lần này là xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay vì chỉ xác định phạm vi thời gian trong 10 năm.
Nhiều mục tiêu lớn, giải pháp đột phá cũng được xác định, trong đó đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước...
Những phương hướng, mục tiêu phát triển được đề ra đối với Hà Nội trong Nghị quyết có tầm nhìn xa và lớn, đòi hỏi phải hành động và thực hiện đồng bộ trong xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực lớn; sự vào cuộc, chung tay của các bộ, ngành và các tỉnh, thành lân cận. Bởi từ nay đến năm 2030 chỉ còn 8 năm, việc chọn trọng điểm, quyết tâm hoàn thành, làm cho bằng được, tạo những bước phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội rất nặng nề.
Có thể nói rằng, tại hội nghị quy mô này, không chỉ quán triệt cụ thể những nội dung của Nghị quyết, mà còn thể hiện sự chung tay, cùng đưa ra những giải pháp để tiến đến bước tiếp theo là tập trung quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Qua các phát biểu của một số bộ, các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô đã mang thêm nhiều gợi mở để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước nói chung, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù trong tài chính - ngân sách, đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch, văn hóa… của Hà Nội nói riêng.
Trong đó, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, việc phát huy được lợi thế về vị trí của Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào công tác quy hoạch xứng tầm, cùng với chất lượng quản lý và thực hiện quy hoạch; việc xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, xây dựng được một số công trình văn hóa tiêu biểu, hạ tầng giao thông hiện đại tạo niềm tin cho Nhân dân...
Tuy nhiên thực tế công tác này vẫn còn nhiều vấn đề cần sự phối hợp chặt hơn của các bộ, ngành. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng và kinh tế vùng ngày càng hiệu quả; từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới cho toàn vùng. Phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch vùng Thủ đô, gia tăng ảnh hưởng, lan tỏa của Hà Nội và mỗi tỉnh tham gia vào chức năng góp phần phát triển Hà Nội cũng là vấn đề được đặt ra để có sự phối hợp.
Bởi thế, không chỉ riêng Hà Nội, các bộ, ngành, địa phương đều đã xác định cho mình những vấn đề liên quan nhiều đến sự phát triển Thủ đô cần sự vào cuộc và chủ động phối hợp với TP Hà Nội để có các chương trình hành động, kế hoạch, đề án với nội dung cụ thể. Với những định hướng đã được chỉ rõ, những vấn đề, giải pháp cụ thể được nêu ra, việc xác định trách nhiệm rõ ràng, lộ trình thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương sẽ giúp Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.