Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc làm cho lao động từ Hàn Quốc trở về: Tránh lãng phí nguồn lực có tay nghề

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề phiên giao dịch việc làm đặc biệt dành cho lao động từ Hàn Quốc trở về diễn ra sáng 1/12, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Đa số các DN tham gia phiên giao dịch có vốn đầu tư từ Hàn Quốc tuyển dụng các vị trí với mức lương hấp dẫn.

Thưa bà, để chuẩn bị cho phiên giao dịch việc làm đặc biệt dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước, Trung tâm đã chuẩn bị thế nào để giúp NLĐ có khả năng trúng tuyển cao?
- Chúng tôi đã khảo sát trước phiên giao dịch việc làm; tuyên truyền nhu cầu sử dụng của các DN đến NLĐ trên toàn quốc để họ có thể lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn. Về phía NLĐ có sự chuẩn bị hồ sơ, trong đó bản Sơ yếu lý lịch nói rõ kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc cũng như những vị trí làm việc có thể đáp ứng được. Do NLĐ có kết nối từ trước, nên đã lựa chọn vị trí, công ty tuyển dụng, chỉ chờ phiên giao dịch là đến phỏng vấn trực tiếp.
Số lao động từ Hàn Quốc trở về đến tìm việc có sự thay đổi thế nào qua mỗi phiên giao dịch?
- Tỷ lệ kết nối lao động ngày càng đông hơn vì chúng tôi luôn rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tổ chức. Trước kia chúng tôi chỉ có thông tin tuyển dụng tại phiên, nên NLĐ chưa nắm bắt được. Lần này, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức, đưa thông tin tuyển dụng đến NLĐ trước giúp họ lựa chọn công việc, do đó tỷ lệ kết nối càng ngày càng cao hơn.
Còn chất lượng lao động làm việc từ Hàn Quốc trở về?
- Lao động, đặc biệt những người đi làm việc ở Hàn Quốc trở về có ưu điểm làm việc nhanh nhẹn, tác phong chuyên nghiệp được các DN đánh giá cao. Tuy nhiên, NLĐ làm việc tại Hàn Quốc có mức lương cao và môi trường làm việc khác so với ở trong nước. Vì thế, lúc mới về chưa muốn tiếp nhận công việc tại Việt Nam ngay do mức lương chênh lệch và môi trường làm việc không bằng. Chúng tôi đã tư vấn cho NLĐ nên giảm bớt nhu cầu. Môi trường làm việc ở Việt Nam khác so với Hàn Quốc, DN nước họ sang đây phải thuê nhân công, mặt bằng, chi phí lao động nhiều hơn, đương nhiên mức lương trả cho NLĐ thấp hơn. Bù lại, NLĐ được làm việc ở gần nhà, sống cùng gia đình, nên hãy chấp nhận mức lương thấp hơn để ổn định cuộc sống.
Theo bà, phải làm gì để giảm thiểu tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc?
- Tôi nghĩ, nên có chương trình tư vấn về chính sách lao động việc làm tại Việt Nam để NLĐ trước khi sang Hàn Quốc nắm thông tin. NLĐ sang Hàn Quốc làm việc khi hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, vẫn có quyền quay trở lại Hàn Quốc nếu có nhu cầu. Họ được tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo nghề nếu muốn chuyển đổi nghề nghiệp. Tôi nghĩ công tác tư vấn cho NLĐ trước khi sang Hàn Quốc làm việc tốt hơn rất nhiều để khi hết hạn hợp đồng, họ yên tâm về nước. Thực tế, phiên giao dịch việc làm hôm nay và các phiên khác hỗ trợ lực lượng lao động này sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Cũng như động viên NLĐ đang làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng quay trở về Việt Nam để giảm tỷ lệ cư trú bất hợp pháp và tránh lãng phí nguồn lao động có tay nghề, tính kỷ luật…
Xin cảm ơn bà!
Ngày 1/12, phiên giao dịch việc làm đặc biệt dành cho người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước có sự tham gia của 37 DN tuyển dụng 368 chỗ làm việc. Trong đó có 30 DN có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chiếm 81%. Có đến 50,8% chỉ tiêu tuyển dụng NLĐ có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật, 20,04% lao động phổ thông; hơn 40% chỉ tiêu tuyển dụng có mức lương từ 7 - 30 triệu đồng/tháng.