Việc nhỏ không nên quên

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, một thông tin có thể không được nhiều người quan tâm bằng vụ cha con ông Trần Quí Thanh của Công ty Tân Hiệp Phát bị khởi tố, bắt tạm giam, nhưng xem ra rất quan trọng với đời sống người dân.

Đó là số ca mắc Covid-19 ghi nhận mới trên cả nước đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, dịch bệnh COVID-19 xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.

Trong 7 ngày từ 5/4 - 11/4/2023, cả nước ghi nhận 639 ca mắc Covid-19, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó. Riêng ngày 10/4, cả nước ghi nhận 113 ca Covid-19.

Trong đó, Hà Nội vẫn là địa phương đứng đầu cả nước về số ca Covid-19 mới. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong cả tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân.

Tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, theo số liệu thống kê mới nhất, hiện có 74 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.

Điều đáng lo ngại là số bệnh nhân nội trú đang tăng lên, đa số đều phải hỗ trợ thở oxy, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và có bệnh nền.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó đơn nguyên Truyền nhiễm Bệnh viện Thanh Nhàn, nguyên nhân bệnh nhân Covid-19 gia tăng đột biến thời gian gần đây có thể do người dân đã bỏ qua việc tiêm phòng vaccine Covid-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại.

Nguyên nhân thứ hai là thời tiết nóng ẩm cũng làm cho dịch gia tăng.
Các chuyên gia cũng đề cập đến một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là các biện pháp phòng, chống dịch nói chung và phòng, chống việc lây nhiễm Covid-19 nói riêng đã có biểu hiện bị coi nhẹ.

Chỉ bằng quan sát bình thường cũng có thể thấy rõ điều này. Mới một năm trước thôi, việc thực hiện khuyến cáo 5K, sau này là 2K của Bộ Y tế rất được người dân quan tâm thực hiện, đặc biệt chiếc khẩu trang trở thành vật bất li thân của mỗi người khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm công cộng.

Thậm chí, đã có những nhà tạo mẫu thiết kế mẫu khẩu trang bắt mắt, với công dụng 2 trong 1, vừa phòng dịch, vừa làm đẹp cho chị em phụ nữ

. Nay thì dù chỉ còn lại 2K là khẩu trang và khử khuẩn song việc thực hiện xem ra đã bị lơ là, kể cả khi sử dụng thang máy hay các phương tiện giao thông công cộng, trong khi Bộ Y tế vẫn luôn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, mặc dù Covid-19 được dự báo có khả năng trở thành bệnh lưu hành như cúm mùa, song người dân vẫn được khuyến khích đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi bệnh cúm, Covid-19 và tất cả các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt là trong thời điểm các bệnh này dễ lây lan ở thời điểm giao mùa.

Trong công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ngày 12/4, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 3, đầu tháng 4 cũng là thời điểm số ca mắc bệnh thủy đậu ở Hà Nội tăng đột biến, gần 140 lần so với cùng kỳ năm 2022, có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Cũng theo các chuyên gia, virus thủy đậu có thể tồn tại trong không khí và do vậy đây là một bệnh có thể lây truyền theo đường hô hấp. 

Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện 2K theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cần thiết và rất có tác dụng phòng, chống không chỉ dịch Covid-19, mà còn với cả các bệnh truyền nhiễm theo đường hô hấp khác, đặc biệt là ở thời điểm giao mùa này.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng đeo khẩu trang chỉ là một việc nhỏ. Đúng là một việc nhỏ nhưng tác dụng lớn, không nên và không được quên nếu muốn bảo vệ sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng!