Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viễn cảnh suy thoái toàn cầu phủ bóng Diễn đàn Kinh tế thế giới 2023

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị quy tụ nhiều quan chức cấp cao hàng đầu thế giới sẽ rất nóng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang quay cuồng với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái.

Đối mặt nhiều thách thức

Hội nghị WEF lần thứ 53, diễn ra từ ngày 16-20/1 tại Davos (Thụy Sĩ), quy tụ hơn 2.700 nhà lãnh đạo từ các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nỗi lo về suy thoái kinh tế có thể phủ bóng sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo hàng đầu Thế giới này.  

WEF Davos 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều nguy cơ khủng hoảng. Ảnh: DW
WEF Davos 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều nguy cơ khủng hoảng. Ảnh: DW

Những nhân vật nổi bật nhất tham dự diễn đàn năm nay gồm có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Diễn đàn WEF Davos năm nay có chủ đề "Hợp tác trong một thế giới chia cắt" diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức như khủng hoảng khí hậu, căng thẳng kinh tế toàn cầu, những tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine...

Mục tiêu của Hội nghị, theo người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, là thảo luận cách thức giải quyết phân hóa và xói mòn lòng tin đang gia tăng ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia, thông qua tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện phục hồi mạnh mẽ và bền vững.

"Các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đang  gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu. Cuộc họp thường niên tại Davos sẽ nỗ lực cùng hợp tác giữa các quốc gia, các chính phủ để vượt qua những thách thức này" - Giáo sư Klaus Schwab cho biết.

Nếu như năm ngoái, xung đột Nga - Ukraine đã chi phối những cuộc thảo luận ở Davos thì năm nay, hậu quả của cuộc xung đột này tiếp tục được dự báo chiếm vị trí trung tâm, khi thế giới vật lộn với khủng hoảng năng lượng, nền kinh tế toàn cầu quay cuồng với lạm phát cao, tiến tới suy thoái.

Các phiên họp của WEF 2023 dự kiến sẽ xoay quanh chủ đề về thực tế xu hướng toàn cầu hóa, tác động của căng thẳng thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Rủi ro suy thoái

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva, cảnh báo rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái trong năm nay.

Mặc dù lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu dường như đã đạt đến đỉnh điểm, nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục, buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Điều đó có nghĩa là chi phí đi vay cao hơn khi nền kinh tế đang chậm lại. Vì thế, có nguy cơ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu ở các nước đang phát triển, bao gồm cả châu Phi. Ngân hàng Thế giới cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể khiến tình trạng nghèo đói gia tăng ở vùng cận Sahara châu Phi, nơi có khoảng 60% người nghèo cùng cực trên thế giới.

Cuộc khảo sát rủi ro hàng năm do WEF công bố tuần trước cho thấy khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine sẽ là những rủi ro kinh tế lớn nhất trong năm 2023, đồng thời cảnh báo tình trạng khan hiếm nguồn cung lương thực và năng lượng có thể sẽ kéo dài trong hai năm tới.

Trong khi đó, Chủ tịch WEF Borge Brende nhận định diễn đàn WEF lần thứ 53 sẽ diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ. "Trên thực tế, kinh tế toàn cầu đang đối mặt nguy cơ suy thoái, chúng ta chưa tìm được lời giải cho nỗi lo ngại về rủi ro tăng trưởng  giảm tốc, lạm phát cao và nợ nần chồng chất" - Chủ tịch WEF nói.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đối đầu kinh tế - chính trị gia tăng và xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, xu hướng toàn cầu hóa có thể đang dần bị thế chỗ. 

Theo tờ DW, thế giới ngày nay đang ở một khúc quanh quan trọng, điều cần thiết là sau cuộc họp kéo dài 5 ngày, WEF 2023 cần đưa ra một hành động tập thể táo bạo hơn.