Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam có 41.000 người bệnh đang lọc máu chu kỳ để duy trì cuộc sống

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam Lê Việt Thắng cho biết, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, một tuần từ 2 – 3 lần để duy trì cuộc sống.

Ngày 16/6, tại lễ kỷ niệm 52 năm Ngày lọc máu chu kỳ đầu tiên (20/6) do Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh và Hội Lọc máu Việt Nam phối hợp tổ chức, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Lọc máu Việt Nam Lê Việt Thắng cho biết, ngày 20/6/1972, ca lọc máu chu kỳ đầu tiên cho bệnh nhân đã được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.

Từ đó đến nay, nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, vấn đề an sinh xã hội, chất lượng chuyên ngành lọc máu, chất lượng cuộc sống người bệnh ngày càng được nâng cao.  

Việt Nam có 41.000 người bệnh đang lọc máu chu kỳ, 2 – 3 lần/tuần để duy trì cuộc sống
Việt Nam có 41.000 người bệnh đang lọc máu chu kỳ, 2 – 3 lần/tuần để duy trì cuộc sống

Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ với các bệnh: đái tháo đường, xơ hóa do tăng huyết áp, các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát. Ngoài ra, bệnh thận mạn tính còn phát triển do nguyên nhân khác như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân. Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận, đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 41.000 người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, một tuần từ 2 – 3 lần để duy trì cuộc sống. Nhiều người bệnh lọc máu vẫn tham gia lao động đóng góp cho xã hội. Lọc máu chu kỳ ở Việt Nam hiện nay sánh ngang tầm khu vực.

PGS.TS Đặng Thị Việt Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, hiện nay có khoảng 850 triệu người trên thế giới mắc bệnh thận mạn tính. Con số này tại nước ta là gần 9 triệu người tương đương gần 13% dân số Việt Nam.

Theo PGS.TS Đặng Thị Việt Hà, bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm nhưng nằm trong nhóm các bệnh có tỷ lệ tử vong cao.  Nhiều trường hợp không biết mình mắc bệnh và tới khi phát hiện bệnh thận đã suy thận giai đoạn cuối. Việc chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm bệnh thận là vấn đề cấp thiết và vô cùng quan trọng.