Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đón khách du lịch Trung Quốc:

Việt Nam có phương án phòng, chống dịch hiệu quả

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực để du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế trong năm 2023.

Trước sự cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực, việc lên phương án đảm bảo về mặt y tế, phòng chống dịch chuẩn bị đón khách Trung Quốc lúc này được xem là thiết thực để Việt Nam nhanh chóng thu hút được nguồn khách từ thị trường lớn một cách an toàn, hiệu quả.

Chủ động phương án

Từ ngày 8/1, Trung Quốc chính thức hủy bỏ việc kiểm dịch tập trung, xét nghiệm Covid-19 với khách quốc tế tới nước này. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch, mở cửa biên giới để người dân đi du lịch mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch ở các địa phương tại Việt Nam đón thêm lượng khách quốc tế, trong đó có Nha Trang (Khánh Hòa).

Nhóm du khách Trung Quốc tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhóm du khách Trung Quốc tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, để chuẩn bị đón du khách Trung Quốc, UBND tỉnh chỉ đạo ban hành chỉ thị để tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, trong đó tiếp tục tiêm vaccine. Đồng thời, cơ quan chức năng phải có phương án phân luồng riêng để đón du khách mới, bố trí các đường line đảm bảo 100% hành khách được giám sát thân nhiệt tại sân bay Cam Ranh; kiểm tra các phương án phòng chống dịch, lên kịch bản cụ thể trong trường hợp phát hiện ca nghi nhiễm.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại đón khách Trung Quốc, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã tập trung các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như 2K, đảm bảo tiêm vaccine, đảm bảo điều trị cũng như trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng khi có khách quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Tại Đà Nẵng, trước mắt Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng vẫn đang tăng cường công tác theo dõi, giám sát ở khu vực cửa khẩu. Trên thực tế, việc triển khai công tác giám sát dịch tại cửa khẩu thì khoa kiểm dịch y tế của CDC vẫn sẽ thực hiện đều đặn như trước đó.

Vẫn giám sát người nhập cảnh từ nước ngoài vào, giám sát thân nhiệt, nếu có các dấu hiệu bất thường thì sẽ dừng lại để khám kỹ hơn. Nếu phát hiện triệu chứng nghi ngờ thì sẽ chuyển về nơi lưu trú của họ để thông báo cho y tế địa phương giám sát, khuyến cáo họ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 hệ thống đo thân nhiệt ở khu vực nhập cảnh, và mọi hành khách đều phải đi qua dù đến từ nước nào. Khi bộ phận kiểm dịch phát hiện người có triệu chứng sốt (qua máy đo thân nhiệt), mệt mỏi, nổi ban… (qua quan sát) thì sẽ mời vào khu vực riêng để khám sơ bộ, khai thác yếu tố dịch tễ.

Nếu phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc bệnh mới nổi, thì sẽ cho cách ly tạm ở khu vực riêng, hoàn tất thủ tục nhập cảnh và sau đó chuyển đi bệnh viện cách ly (với Covid-19 thì hiện nay cho phép cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện).

Tương tự, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đơn vị quản lý cảng đã quán triệt thực hiện chính sách 2K (khẩu trang + khử khuẩn) triệt để với hành khách tại sân bay, tăng cường phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt sau thời điểm 8/1.

Nhằm chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn các dịch bệnh xâm nhập vào TP Hà Nội thời gian tới, đặc biệt với các dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh nguy hiểm, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch năm 2023. Đề ra các phương án đáp ứng chống dịch phù hợp, thích ứng, linh hoạt trong từng tình huống.

Tại Quảng Ninh, ngành y tế đã phối hợp với các địa phương có cửa khẩu xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đối với người từ Trung Quốc nhập cảnh, bỏ quy định xét nghiệm PCR. Người có khai báo sức khỏe hợp lệ theo quy định kiểm dịch của Cơ quan hải quan cửa khẩu sẽ được phép nhập cảnh không cần cách ly.

“Xây dựng các phương án cụ thể để đáp ứng tốc độ khi có tình huống nhiều người nhập cảnh qua biên giới. Đặc biệt sẵn sàng chủ động các phương án khi các ổ dịch trong cộng đồng hoặc dịch bệnh xuất hiện trong địa bàn tỉnh” - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Biện pháp chống dịch linh hoạt, an toàn

Trong khi đó, tại Lào Cai, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là luồng nhập cảnh. Trước ngày 8/1, lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với cửa khẩu quốc tế Lào Cai và cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành đã lắp đặt xong 3 máy đo thân nhiệt. Mỗi khu vực đặt máy đo có từ 5 - 7 cán bộ y tế/ca làm việc để kiểm soát toàn bộ người nhập cảnh. Khi phát hiện trường hợp sốt cao, sẽ được đưa ra khu vực cách ly để làm xét nghiệm.

Còn tại Lạng Sơn, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn Đặng Viết Trường cho biết, công tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu rất quan trọng và cấp bách, đặc biệt là kiểm dịch y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn an ninh y tế quốc gia. Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng cán bộ kiểm dịch y tế, phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch. Chủ động chuẩn bị truyền thông về phòng, chống dịch tại cửa khẩu, lối mở dưới nhiều hình thức, ưu tiên khu vực đông người qua lại.

Đề cập đến vấn đề này, TS Vũ Ngọc Long - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, việc test nhanh các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu là việc cần thiết để có biện pháp chống dịch trong thời gian sắp tới. Các ca dương tính cần hướng dẫn phân loại kịp thời, hợp lý. Với ca nhẹ thì hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe nơi lưu trú, ca nặng thì chuyển vào cơ sở y tế điều trị.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, các biện pháp phòng, chống dịch phải linh hoạt và an toàn chứ không làm phát sinh thêm bất kỳ thủ tục gì khác. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác truyền thông từ cửa khẩu, biên giới vào nội địa để người dân và khách du lịch nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện thông điệp “2K”.

Để chủ động phát hiện sớm, ứng phó kịp thời dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu nhằm phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt là các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng thực hiện công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch.

Mặt khác, có phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, trong đó, địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc Covid-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện.

Hiện vaccine vẫn có hiệu quả với các biến thể của Omicron. Vì vậy, đối với những địa phương có nhiều giao lưu thông thương cần khẩn trương bao phủ những mũi tiêm còn thiếu để đảm bảo nền miễn dịch tốt.

Dù tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ, nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy toàn thế giới đã tiệm cận đến ngưỡng Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu. Khắc phục nguy cơ, nắm bắt cơ hội, thúc đẩy ngành du lịch phục hồi tại các thị trường trọng điểm là con đường hữu hiệu để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong bối cảnh dự báo kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

 

"Công tác KCB rất quan trọng và cần quan tâm. Chúng ta cần đặt ra các tình huống xử trí thế nào khi phát hiện các ca bệnh nặng, suy hô hấp cũng như công tác vận chuyển người bệnh từ cửa khẩu về các cơ sở y tế." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế, TS Vương Ánh Dương

--

"Đầu năm 2023, trước tình hình hành khách nhập cảnh tăng cao và sự xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19 trên thế giới, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tăng cường hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu của TP. Từ trước đến nay, CDC TP Hồ Chí Minh luôn duy trì bộ phận thường trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24 tại các cửa khẩu của TP Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt lưu ý các chuyến bay và hành khách đến từ các vùng đang bùng phát dịch." - Giám đốc CDC TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm