Nghiên cứu Chỉ số Net Zero các nền kinh tế năm 2022 của PwC công bố 9 trong số 13 nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương đã giảm phát thải carbon trong năm 2021.
Đặc biệt, chỉ có hai nền kinh tế là New Zealand và Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải khí carbon dựa trên mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).
Nghiên cứu này của PwC nhằm theo dõi tiến độ của các quốc gia trong việc giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng và giảm phát thải khí carbon tại quốc gia đó. Nghiên cứu cũng đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng so với GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó.
Nghiên cứu chỉ ra New Zealand giảm lượng phát thải carbon nhiều nhất ở mức 6,7% trong năm 2021, tiếp theo là Malaysia (4,0%), Việt Nam (3,4%) và Australia (3,3%).
Châu Á Thái Bình Dương vượt trội hơn với tỷ lệ giảm phát thải carbon là 1,2%, so với 0,5% mức trung bình các khu vực khác trên toàn cầu trong năm 2021, trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ tăng trưởng kinh tế mặc dù còn nhiều trở ngại, theo PwC.
“Điều này cho thấy tỷ lệ giữa lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được tạo ra đang giảm," báo cáo ghi nhận.
Mặc dù Châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu về chỉ số Net Zero [phát thải ròng bằng 0], nhưng mức giảm này vẫn kém xa so với mức cần thiết để hạn chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên thêm 1,5°C, vốn đòi hỏi tỉ lệ giảm phát thải carbon là 15,2% mỗi năm, báo cáo cho biết.
Báo cáo cho rằng các chính phủ trong khu vực cần tăng cường đáng kể các mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định cho năm 2030 và xa hơn nữa.
Những mục tiêu cấp độ toàn cầu và cấp quốc gia cần được chuyển hóa thành chính sách. Kết quả tích cực xuất phát từ việc thực thi một số chính sách của các chính phủ Châu Á Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, để duy trì những mục tiêu trên, chính phủ các nước trong khu vực cần phải có những quyết sách, báo cáo nhấn mạnh.
Những quyết sách trên bao gồm kết hợp các mục tiêu năng lượng tái tạo với kế hoạch loại bỏ dần sử dụng than đá; thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả với chính sách điện khí hóa; tích hợp chính sách định giá carbon kết hợp với đổi mới, cũng như mở rộng quy mô công nghệ sạch và đảm bảo quá trình chuyển đổi hợp lý.