Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát đúng mục tiêu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều giải pháp đồng bộ, Việt Nam đã làm tốt, từ đó có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Có thế nói, Việt Nam là một trong số không nhiều nước có gam màu tươi sáng trong bức tranh chung khá ảm đạm về tình hình kinh tế biến động và lạm phát tăng cao trên thế giới.

Lạm phát được kiểm soát thành công trong 8 tháng

Trong 8 tháng năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Giá năng lượng tăng cao gây lạm phát trên toàn thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng

Trong nước, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn và khó khăn của bối cảnh thế giới, nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được Chính phủ triển khai quyết liệt để giảm giá xăng, dầu, ổn định giá điện, nước sinh hoạt, học phí, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý... Nhờ đó, lạm phát 8 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức 2,58%.

Trong 8 tháng qua, giá xăng, dầu được điều chỉnh 22 đợt (trong đó có 8 đợt giảm giá). Đặc biệt trong 2 tháng gần đây (tháng 7, 8/2022), giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 theo biến động giá nhiên liệu thế giới và do tác động của việc Nhà nước giảm thuế đối với xăng, dầu.

Giá xăng, dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và tháng 8/2022 (CPI tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005%). CPI tháng 8/2022 tăng 0,005% so với tháng trước, tăng 3,6% so với tháng 12/2021. Bình quân 8 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng 1,64%.

Bên cạnh đó, những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022.

Trong đó, Bộ GD&ĐT đã đề xuất chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023 như lộ trình trước đó, thậm chí các địa phương còn miễn, giảm học phí trong thời gian vừa qua để chia sẻ khó khăn cho người dân đã giúp chỉ số giá dịch vụ giáo dục bình quân 8 tháng đầu năm giảm 3,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,17 điểm phần trăm.

Với giá dịch vụ y tế, năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá, tuy nhiên việc này đã được hoãn lại trong đại dịch.

Thêm vào đó, giá điện cũng chưa tăng giá và EVN đã chủ động đề xuất không tăng giá điện trong năm nay, mặc dù chi phí đầu vào của ngành này như giá xăng, dầu, giá than đều đã tăng rất cao.

Việc kiểm soát tốt lạm phát trong 8 tháng giúp Việt Nam có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới mới đây cũng nhận định, lạm phát năm 2022 của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Còn theo thống kê của Trading Economics, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất thế giới (dưới 3,2%) trong khi nhiều quốc gia châu Á tăng tốc chống lạm phát.

Lạm phát giảm trong ngắn hạn, đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%

Trong thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt khi giá xăng dầu và hàng hóa như phân bón, thép... giảm và diễn biến tỷ giá cũng đã dần ổn định hơn, chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và niêm yết đã được thu hẹp lại. Đây là nhận định về áp lực lạm phát trong ngắn hạn được các chuyên gia của SSI Research đưa ra trong báo cáo thị trường tiền tệ.

Thông tin từ SSI Research cho biết, nhiều dự báo trên thế giới đang cho rằng giá xăng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Tờ Cnet cho biết, trong tuần đầu của tháng 8, giá dầu thô lần đầu đã giảm xuống dưới 90 USD/thùng kể từ tháng 2. Mặc dù giá xăng vẫn còn cao so với mức 2,7 USD/gallon vào năm 2019, nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy xăng có thể sẽ giảm giá tiếp vào những tuần tới. Trên thực tế, giá năng lượng tháng 8 tại Mỹ đã "hạ nhiệt" 5%, kéo chỉ số giá xăng dầu giảm 10,6%.

Bộ Công Thương dự báo, sang quý IV năm nay, giá xăng dầu thế giới sẽ hạ nhiệt về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Điều này sẽ kéo mức tăng cao của giá xăng dầu trong nước giảm xuống, còn khoảng 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Trong nước, năm học 2022 - 2023, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát, triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá. Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá sách từ 5 - 15% tùy từng cuốn sách.

Tuy nhiên, về lâu dài vẫn tiềm ẩn những yếu tố có thể tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Bởi giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn, trong 4 tháng còn lại của năm 2022, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đề nghị công tác quản lý, điều hành giá phải bám sát tình hình thế giới, không được chủ quan, lơ là, đảm bảo cung cầu trong nước để ổn định kinh tế.

Giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn, nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.

Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng…

Một số yếu tố khác gây áp lực lên mặt bằng giá như: USD tăng giá; giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng của thị trường một số nước lân cận và chi phí sản xuất.

Có một số yếu tố làm giảm áp lực mặt bằng giá như giá điện bình quân được giữ ổn định trong những tháng còn lại của năm 2022, giá dịch vụ y tế chưa điều chỉnh. Các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Theo Bộ Tài chính, với ước tính CPI tháng 8 tăng 0,006%, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,27% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.

Ở kịch bản của Tổng cục Thống kê, dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,4 - 3,7%. Còn Ngân hành Nhà nước dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,7 ± 0,3%.

 

"Áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Do đó, nếu giá dầu thế giới không vượt 120 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần