Theo Nikkei Asia, trong năm nay, các nền kinh tế Đông Nam Á đặt mục tiêu phục hồi mức tăng trưởng như trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng các dự báo cho thấy đà phục hồi kinh tế của các nước trong khu vực vẫn đối mặt nhiều rủi ro trong năm 2021.
Singapore vừa qua đã công bố số liệu về dự báo tăng trưởng GDP ở mức 4 - 6% trong năm 2021. Theo đó, quốc đảo sư tử vẫn giữ nguyên dự báo như hồi tháng 11/2020. Trong năm 2020, Singapore ghi nhận GPP giảm kỷ lục 5,8% - mức kém nhất kể từ khi Singapore độc lập năm 1965.
Singapore hiện đã thực hiện kiểm soát dịch Covid-19 tương đối tốt, đồng thời đặt mục tiêu có đủ vaccine cho tất cả người dân vào tháng 9/2021. Ngoài ra, xuất khẩu hàng điện tử tại quốc gia này tăng đáng kể trong thời gian vừa qua là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế của quốc đảo 5,7 triệu dân.
Nhìn chung, trên nhiều khía cạnh, triển vọng kinh tế của Singapore được đánh giá là một mô hình thu nhỏ cho triển vọng kinh tế trong khu vực. Trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng là điểm sáng, việc triển khai vaccine thành công lại là yếu tố quyết định để phục hồi hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch - lĩnh vực trọng tâm của nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Một nền kinh tế lớn khác trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia, được dự báo sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 4,5 - 5,5% trong năm nay, sau khi giảm 2,1% trong năm ngoái.
Hồi tháng 1 vừa qua, Indonesia đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng và hướng tới mục tiêu đến tháng 3/2022 hoàn thành tiêm chủng cho 181 triệu người, chiếm khoảng 70% tổng dân số quốc gia. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh Indonesia hiện đang có số người nhiễm Covid-19 cao nhất trong khu vực.
Mới đây, Thái Lan cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống mức 2,5 - 3,5% từ mức 3,5 - 4,5% hồi tháng 11/2020. Những thiệt hại nặng nề của du lịch toàn cầu đã tác động đáng kể lên các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước này.
Ông Danucha Pichayanan - Tổng thư ký Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) cho biết, ngành du lịch Thái Lan dự kiến sẽ phục hồi trong quý IV/2021. Theo ông Danucha Pichayanan, sự phát triển của Thái Lan phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine cũng như sự ổn định chính trị nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, tại Malaysia - quốc gia vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, Ngân hàng Trung ương không tiết lộ dự báo tăng trưởng năm 2021.
Hồi đầu tháng này, Malaysia công bố GDP đã giảm 5,6% vào năm 2020 - kết quả tồi tệ nhất với nền kinh tế nước này kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
"Bước sang năm 2021, tăng trưởng sẽ phục hồi nhờ sự gia tăng của nhu cầu toàn cầu và việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong nước", Ngân hàng Trung ương Malaysia lưu ý.
Ngân hàng này cũng nhận định: "Các rủi ro với tăng trưởng vẫn còn. Tốc độ và sức mạnh phục hồi tùy thuộc vào những diễn biến của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và trong nước".
Nikkei Asia nhận định, Việt Nam có thể sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,9% nhờ thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, cũng như xuất khẩu mạnh mẽ đồ điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác. Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.
Ông Gareth Leather - chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể vẫn kéo dài trong những năm tới.
Trước giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng bình quân GDP khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 5% trong nhiều năm liền, là một trong những khu vực năng động nhất thế giới.
Đông Nam Á cũng là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, với dân số tương đối trẻ thúc đẩy nhu cầu tăng cao và cung cấp nhiều lao động cho các hoạt động sản xuất. Những lợi thế này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhưng trước tiên, các quốc gia trong khu vực cần thoát khỏi “bóng ma” Covid-19.