Việt Nam và dấu ấn qua các kỳ APEC

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy một ngày nữa Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức diễn ra tại TP Đà Nẵng, cùng điểm lại những dấu ấn của Việt Nam qua các kỳ APEC.

Chính thức gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998, Việt Nam trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp thiết thực cho APEC.

Các hoạt động chính trong Tuần lễ Cấp cao APEC

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" sẽ được tổ chức tại TP Đà Nẵng, từ ngày 6 đến ngày 11/11/2017.

Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ cho khoảng 3.000 phóng viên tại Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: Lao Động

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang sẽ chủ trì và tham dự các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, gồm: Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN trong ngày 10/11; Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Phu nhân/Phu quân và Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, tối 10/11; Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, ngày 11/11. Chủ tịch Nước cũng sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/11.

Phu nhân Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Hiền sẽ chủ trì Chương trình Phu nhân/Phu quân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong ngày 11/11 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với sự tham dự và phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 7/11.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ đồng chủ trì Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC, ngày 8/11.

Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết của các quan chức cao cấp APEC, từ ngày 6 đến ngày 7/11.

Trong dịp này, cũng sẽ diễn ra Cuộc họp ABAC, từ ngày 4 - 6/11 và Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC, từ ngày 6 - 10/11.

Thông qua hành động Hà Nội

 Hội nghị năm 2006 tổ chức tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo APEC mỉm cười vẫy tay trước ống kính trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam.

Trong đó phải kể đến việc đảm nhận thành công vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006. Với vai trò này, “đất nước hình chữ S” đã để lại nhiều dấu ấn với các văn kiện quan trọng trong tiến trình hợp tác APEC được thông qua như “Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Busan và hướng tới hoàn thành các mục tiêu Bogor”, hay "Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO”.

Điều này đã được giới truyền thông trong nước và quốc tế đánh giá cao. Theo nhận định của tờ FPIF, Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé tại Đông Nam Á có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đã tự mình giành thắng lợi để trở thành thành viên của WTO và vượt qua mọi rào cản để tổ chức Hội nghị APEC thành công một cách phi thường... Đây là những nhận xét, đánh giá được đưa ra ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội vào năm 2006.

Bên cạnh đó, dư luận quốc tế đều cho rằng, với sự thành công ngoài mong đợi của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 14 và Năm APEC 2006, Việt Nam đã tôn vinh đậm nét hình ảnh của một thành viên năng động, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đồng thời mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Điều quan trọng là hội nghị cũng đã thông qua kế hoạch tổng thể về cải cách APEC với nhiều biện pháp cụ thể nhằm làm cho Diễn đàn này có sức sống ngày càng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả hơn. Thực tế, ý tưởng về cải cách APEC đã được đưa ra 6 năm trước khi APEC 2006 diễn ra, nhưng chưa được thực hiện. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam tiếp tục nêu sáng kiến này và được các thành viên hoan nghênh. Đây là kết quả hết sức có ý nghĩa đối với tương lai phát triển của APEC.

Biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực

Đây là một trong những đề xuất nổi bật của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 20. Theo đó, đại diện Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo. Ttrong đó coi trọng hợp tác ứng phó với thiên tai, an toàn và an ninh hàng hải, và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, đề nghị APEC đẩy mạnh hơn phối hợp với các cơ chế liên kết khác ở khu vực, hỗ trợ hợp tác tiểu vùng và kết nối của ASEAN.

Cũng trong Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 20, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các thách thức toàn cầu liên quan an ninh lương thực và bảo vệ nguồn nước. Chúng ta đề xuất phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực cần được coi là một nội hàm quan trọng của công cuộc đổi mới và chiến lược phát triển quốc gia. Hội nghị chia sẻ đề xuất của Việt Nam về sự cần thiết phải có cách tiếp cận đa ngành, tổng thể gắn kết chặt chẽ an ninh lương thực với nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước, đại dương và các tài nguyên biển.

Các thành viên đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường bảo đảm an ninh lương thực và nguồn tài nguyên nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.

Hướng tới APEC 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sắp diễn ra tại TP Đà Nẵng (từ ngày 6 - 11/11)

Nhằm thể hiện chủ đề năm APEC 2017, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên. Thứ nhất là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, Thứ hai, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Thứ 3, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số. Thứ 4, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. An ninh lương thực gắn với “nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu.

Việc chọn ra chủ đề và 4 hướng ưu tiên lớn cho APEC 2017 nhằm kiến tạo một APEC vì người dân, vì DN, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu… đã nhận được sự nhất trí của các thành viên.

Chuẩn bị cho APEC 2017, Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ ba (SOM 3) vào tháng 8/2017 tại TP Hồ Chí Minh và các cuộc họp liên quan đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với những kết quả nổi bật. Hội thảo “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội” - một sáng kiến của Việt Nam là lần đầu tiên trong APEC có một diễn đàn về phát triển bao trùm trên cả ba lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thể hiện sự hợp lực của APEC hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng APEC phát triển bền vững, bao trùm trong tương lai…

Theo Tiến sĩ Alan Bollard - Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, APEC tổ chức tại Việt Nam đã và sẽ mang đến những kết quả cụ thể. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, nhất là từ các nhóm, ủy ban… Việt Nam cố gắng để hiện thực hóa các Mục tiêu Bogor và cũng có những bước đi mạnh mẽ, trong đó tập trung vào những nội dung sẽ thực hiện sau năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần