Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VietinBank vượt thách thức để đón thời cơ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, phát huy vai trò là NHTM chủ lực, VietinBank đã nỗ lực đột phá đổi mới trên nhiều lĩnh vực hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng trong nước. Có thể nói VietinBank đã “vượt thách thức” để “đón thời cơ”.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Việt Dũng
Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Việt Dũng

Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với nhiều nỗ lực đột phá đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng trong nước.

Vững vàng trong trạng thái “bình thường mới”

VietinBank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/7/1988. Trải qua hơn 33 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, VietinBank đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam và có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh của hệ thống VietinBank luôn đạt mức tăng trưởng cao, an toàn, hiệu quả, các chỉ số sinh lời luôn nằm trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu. Là ngân hàng nhiều năm liền nằm trong top 10 DN đóng góp ngân sách Nhà nước (NSNN) cao nhất.

Năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng mạnh tới kinh tế Việt Nam. Phát huy vai trò là NHTM chủ lực, VietinBank đã nỗ lực đột phá đổi mới trên nhiều lĩnh vực hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng trong nước. Có thể nói VietinBank đã “vượt thách thức” để “đón thời cơ”.

 

"Nền kinh tế Việt Nam đang bước sang giai đoạn phục hồi với không ít khó khăn thách thức. Toàn hệ thống VietinBank sẽ tiếp tục tập trung cao độ các nguồn lực để xây dựng và triển khai mạnh mẽ các trọng tâm kinh doanh, bám sát các mục tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm; chủ động vượt qua khó khăn, thách thức; tận dụng thời cơ, nỗ lực hết mình, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống VietinBank mạnh mẽ, bền vững" - Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình

Kết quả hoạt động năm 2021 của VietinBank đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch, đặc biệt với các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, tỷ trọng tiền gửi CASA/ tổng nguồn vốn và thu phí dịch vụ. Cụ thể, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank năm 2021 ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so năm 2020. Dư nợ tín dụng hợp nhất ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng bình quân tăng 12,3% so năm 2020. Huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn được tiết giảm mạnh. Nguồn vốn huy động thị trường 1 hợp nhất ước đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 17,3% so năm 2020.

Kết thúc năm 2021, tỷ lệ nợ xấu được VietinBank kiểm soát ở mức 1,3% tuân thủ hạn mức kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Đại hội đồng cổ đông giao. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện hết sức tích cực ở mức 171%, cao hơn so năm 2020. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao, tạo nguồn lực để VietinBank tiếp tục phát huy tốt vai trò NHTM trụ cột, chủ lực của nền kinh tế, đóng góp lớn vào NSNN và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, VietinBank nằm trong Top 2 ngân hàng có vốn điều lệ lớn trong ngành với 48.058 tỷ đồng, qua đó, tiếp tục củng cố nền tảng tài chính, năng lực quản trị rủi ro và tạo cơ sở để VietinBank chinh phục những mục tiêu cao hơn.

Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, VietinBank luôn mở rộng cho vay những ngành kinh tế mũi nhọn: Dầu khí, xăng dầu, bưu chính viễn thông, than - khoáng sản, điện, hóa chất, sắt thép, xi măng, vận tải…; cung ứng tài chính cho nhiều DN thuộc ngành hàng xuất khẩu, góp phần thực thi chiến lược tăng trưởng xuất khẩu như: Dệt may, da giày, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nông lâm sản... trên phạm vi cả nước.

VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư…; từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhận diện, khai thác triệt để cơ hội, tiềm năng thị trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, FDI và tiêu dùng, thương mại điện tử; chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào các sản phẩm số hóa và chuyển dịch kênh; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số.

Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, VietinBank thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển phân khúc bán lẻ, khách hàng DN nhỏ và vừa (DNNVV) tăng trưởng vào các khu vực địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng khai thác, có sự phục hồi nhanh sau dịch Covid-19, các lĩnh vực ngành nghề được Chính phủ ưu tiên khuyến khích như tín dụng xanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững… Tính đến 31/12/2021, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng DNNVV đạt 57%, cải thiện tích cực so với mức 54% của năm 2020.

VietinBank cũng là ngân hàng tiên phong thực hiện các chính sách của Chính phủ và NHNN. Năm 2021, VietinBank đã chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến cuối tháng 12/2021, VietinBank đã cho vay mới hơn 940.000 tỷ đồng cho khoảng 22.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ giảm lãi suất cho khoảng 25.000 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất hơn 400.000 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN cho khoảng 2.000 khách hàng.

Giai đoạn từ 2021 - 2023 kế hoạch của ngân hàng là tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thay đổi phương thức cạnh tranh; gắn tăng trưởng với kinh tế ngành, vùng trọng điểm; chuyển đổi số toàn diện hoạt động ngân hàng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực.

Định vị thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế

Năm 2008, VietinBank thực hiện cổ phần hóa đồng thời thay đổi tên thương hiệu đăng ký quốc tế, trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được đăng ký bản quyền quốc tế. Thương hiệu mới VietinBank đánh dấu một bước đi tất yếu trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế để định vị uy tín thương hiệu trên thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn tiếp theo. VietinBank là NHTM Nhà nước đầu tiên lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, qua đó cải thiện mạnh mẽ năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh; là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có mặt tại châu Âu với việc khai trương chi nhánh tại Frankfurt, CHLB Đức.

VietinBank cũng là ngân hàng trong nước đầu tiên phát hành thành công trái phiếu ra thị trường quốc tế. Đến nay, VietinBank là ngân hàng Việt Nam duy nhất 3 lần liên tiếp vào Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị thế giới (Brand Finance), 9 lần liên tiếp nằm trong Top 2.000 Forbes Global... góp phần khẳng định, nâng cao thương hiệu, uy tín của ngân hàng Việt Nam.

Với tầm nhìn trở thành ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, VietinBank phấn đấu đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến năm 2045 là ngân hàng mạnh nhất và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới. Với những mục tiêu cụ thể này, VietinBank đang đặt ra những nền móng vững chắc cùng quyết tâm mạnh mẽ để liên tục tăng trưởng bền vững, hiệu quả, đưa vị thế lên một tầm cao mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước được dự báo phục hồi trong trạng thái bình thường mới, năm 2022 được xác định là năm bản lề để VietinBank thúc đẩy tăng trưởng đột phá. Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho hay, một số mục tiêu chính của đơn vị trong năm 2022 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự kiến: Tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5 - 10%; tín dụng tăng trưởng khoảng 10 - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10 - 12%; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng trưởng 10 - 20%...