Vietnam Airlines tiếp tục để lộ thông tin hành khách đi máy bay: Khách hàng bức xúc

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam nhận Chứng chỉ hàng không quốc tế 4 sao, được yêu thích nhất châu Á nhưng Vietnam Airlines vẫn để rò rỉ thông tin cá nhân của hành khách, kể cả khách hàng thân thiết.

Tình trạng lộ thông tin hành khách đi máy bay tiếp tục tái diễn nhức nhối (ảnh minh họa).
Phiền toái vì tin nhắn rác
Anh P.N.A - Giám đốc một DN trong lĩnh vực giáo dục ở Hà Nội tỏ ra vô cùng ngao ngán khi mình liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn mời chào đi taxi mỗi khi chuẩn bị thực hiện một chuyến bay nào đó. Tình trạng trên đã diễn ra suốt một thời gian dài dù anh là khách hàng thân thiết của Vietnam Airlines. “Không hiểu sao, một DN nghìn tỷ cỡ Vietnam Airlines có thể để cho bên thứ 3 khai thác data khách hàng vô tội vạ như thế” – anh A. thất vọng nói.
Nhiều người cho rằng, việc các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines biết tình trạng lộ thông tin hành khách đi máy bay từ lâu nhưng vẫn không có phương án ngăn chặn triệt để là điều rất đáng tiếc. Một là họ không cho rằng việc này quan trọng nên chưa làm. Hai là họ biết nhưng hệ thống quá lớn, quản trị yếu nên loay hoay chưa biết làm thế nào. Trong tương lai, với sự cạnh tranh gay gắt hơn trong lĩnh vực hàng không, hãng nào thiếu tôn trọng khách hàng vì để lọt thông tin ra ngoài sẽ dần mất thị phần.

Đặc thù công việc thường xuyên phải đi công tác xa và dài ngày nên anh A. có thời gian dài gắn bó với những chuyến bay của Vietnam Airlines. Vị doanh nhân này luôn đặt vé trực tiếp thông qua website:www.vietnamairlines.com nhưng sau một thời gian, không hiểu bằng cách nào, các hãng taxi tại sân bay lại có được số điện thoại cũng như thông tin chính xác về ngày, giờ anh thực hiện các chuyến bay. "Nhiều lúc không thể giữ được bình tĩnh vì sự phiền toái do những tin nhắn rác này gây ra. Lần nào cũng thế, mua vé xong và sát giờ bay là mình nhận vô số lời chào mời” - anh A. chia sẻ.

Gần đây nhất, anh A. đặt vé hạng phổ thông linh hoạt qua website của hãng hàng không Vietnam Airlines, vé bay khứ hồi cho chuyến đi công tác tại TP Hồ Chí Minh. Chuyến đi mang số hiệu VN2033 khởi hành từ Sân bay Nội Bài vào lúc 12 giờ ngày 24/5/2019 và đến TP Hồ Chí Minh vào lúc 14 giờ 15 phút cùng ngày. Chuyến khứ hồi mang số hiệu VN2204 khởi hành từ Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ 30 phút ngày 27/5/2019 và dự kiến đến Hà Nội vào lúc 10 giờ 40 phút cùng ngày. Bắt đầu từ trưa ngày 23/5 đến khi anh thực hiện chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh vào trưa 24/5, hàng loạt tin nhắn chào mời đi taxi Sân bay Quốc tế Nội Bài được gửi đến điện thoại của anh. Tình trạng tương tự tiếp tục lặp lại từ sáng 26/5 đến khi anh A. thực hiện chuyến bay khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh ra Nội Bài vào sáng 27/5. Những thuê bao lạ (0565089..., 05680898...) cùng với nội dung về giá tiền và số điện thoại liên hệ đặt xe... luôn khiến anh A. bức xúc.

Nhiều rủi ro khó lường

Một trường hợp khác là chị Lê Minh H. (trú tai phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng bị lộ thông tin cá nhân khi đặt vé Vietnam Airlines qua đại lý. Chị H. cho biết, chị nhờ bạn đặt 2 vé Vietnam Airlines qua một đại lý bán vé máy bay đi từ Hà Nội vào TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 30/4/2019. Theo yêu cầu của đại lý, số điện thoại của chị H. được cung cấp để hãng tiện liên hệ khi cần. Chuyến bay mang số hiệu VN1603 khởi hành từ Sân bay Quốc tế Nội Bài lúc hơn 17 giờ ngày 30/4 và đến Sân bay Buôn Ma Thuột vào lúc 18 giờ 55 phút cùng ngày. “Bắt đầu từ chiều 29/4, điện thoại tôi liên tục nhận được tin nhắn mời chào đi taxi Sân bay Quốc tế Nội Bài dù tôi không có nhu cầu. Hơn nữa, sẽ ra sao nếu những thông tin cá nhân của hành khách đi máy bay bị lộ ra lọt vào tay kẻ xấu và bị sử dụng cho những mục đích xấu?” – chị H. đặt câu hỏi.

Năm 2017, cả ngành hàng không chao đảo khi câu chuyện thông tin hành khách đi máy bay bị lộ được phơi bày. Sự việc nghiêm trọng đến mức, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Công an và Bộ TT&TT vào cuộc xác minh, làm rõ. Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT ban hành chính sách, giải pháp chung về công nghệ thông tin trong lĩnh vực hàng không để tăng cường công tác bảo mật, an ninh thông tin mạng nói chung và thông tin hành khách nói riêng. Các hãng hàng không cũng có động thái lấy lại niềm tin của khách hàng bằng cách cho thôi việc những trường hợp nhân viên và cắt hợp đồng những đại lý bán vé máy bay về hành vi vi phạm liên quan, đồng thời cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để bảo mật thông tin của hành khách một cách tuyệt đối.

Riêng Vietnam Airlines đã yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên thuộc Tổng Công ty và các đại lý vé ký cam kết không xâm nhập hệ thống bán vé, đặt chỗ của Tổng công ty lấy thông tin hành khách cung cấp cho dịch vụ taxi, đồng thời tăng cường rà soát quản lý mã truy cập hệ thống của Tổng Công ty. Đặc biệt, hãng này còn thể hiện sự quyết tâm bằng việc cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ việc có được từ khách hàng phản ánh bao gồm cả số điện thoại nhắn tin, gọi điện mời chào dịch vụ tới cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh mạng để điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, sau vụ lùm xùm năm 2017 đến nay, tình trạng lộ thông tin hành khách đi máy bay của Vietnam Airlines tiếp tục nhức nhối.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần