Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: cảnh báo thủ đoạn giả mạo Thanh tra Sở Y tế để lừa đảo

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các đối tượng lừa đảo đã giả danh thành viên Đoàn Thanh tra của Sở Y tế đi kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc, vật tư y tế, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống… nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Giả mạo cán bộ, thanh tra Sở Y tế để lừa đảo

Sáng 23/10, thông tin đến PV báo Kinh tế và Đô thị, lãnh đạo Văn phòng Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã giả danh thành viên Đoàn Thanh tra của Sở và có hành vi đi kiểm tra việc việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc, vật tư y tế, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Các đối tượng đã làm giả quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Tam Dương, đồng thời giả mạo thông báo của Sở Y tế về việc Đoàn kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Các văn bản giấy tờ giả mạo này được các đối tượng lừa đảo mạo danh Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc ký ban hành. Việc mạo danh và giả mạo văn bản của Sở Y tế là hành vi vi phạm nghiêm trọng mà các đối tượng thực hiện nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.” - ông Lâm Văn Sáu, Chánh Văn phòng Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết.

Các quyết định và thông báo giả mạo Sở Y tế Vĩnh Phúc được các đối tượng lừa đảo gửi đến người dân, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Sỹ Hào
Các quyết định và thông báo giả mạo Sở Y tế Vĩnh Phúc được các đối tượng lừa đảo gửi đến người dân, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Sỹ Hào

Ngay khi nắm được thông tin, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi đến cơ quan Công an đề nghị phối hợp xác minh dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước; đồng thời khẳng định Sở Y tế không ban hành thông báo, quyết định này. Các nội dung trong thông báo, quyết định mà các đối tượng lừa đảo thực hiện là giả mạo, không chính xác.

Không làm theo hướng dẫn, không chuyển khoản cho người lạ

Sau khi tiến hành xác minh, lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (tiệm bánh Nhật Linh, huyện Tam Dương; Nhà hàng Thiên Cầm, huyện Tam Đảo), các đối tượng lừa đảo đã dùng điện thoại di động gọi điện, tự xưng là cán bộ thuộc Sở Y tế thông báo việc kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, sau đó đề nghị kết nối Zalo để gửi các văn bản giả mạo của Sở Y tế gồm: thông báo kiểm tra, quyết định thành lập Đoàn kiểm tra.

Các đối tượng lừa đảo đã hứa giúp đỡ hoàn thiện thủ tục, giấy tờ về an toàn thực phẩm, đồng thời đề nghị sử dụng hai điện thoại song song để truy cập vào đường link lạ, hướng dẫn cài đặt app giả mạo Sở Y tế để thu thập trái phép thông tin về tài khoản, mật khẩu, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng trên điện thoại của nạn nhân.

Có trường hợp, đối tượng gửi thông báo kiểm tra giả mạo, sau đó đề nghị cơ sở kinh doanh “gửi quà” vì đã giúp đỡ báo trước thông tin và hứa sẽ tạo điều kiện khi đoàn đến kiểm tra.

Đây là thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở và doanh nghiệp, tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện tai, Công an tỉnh đang tiếp tục huy động lực lượng điều tra, xử lý vụ việc.

Cơ quan Công an khuyến cáo, các cơ sở kinh doanh cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và từ chối thực hiện đề nghị của các đối tượng.

Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng trước các cuộc điện thoại từ người lạ, cần thực hiện khẩu hiệu “5 không - 3 cần” (không tin ngay; không tò mò; không thêm bớt; không vội chia sẻ, đăng tải; không bị kích động và xúi giục - cần bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân; cần cảnh giác; cần kiểm chứng thông tin).

Đồng thời thực hiện “4 không - 2 giác” (không sợ, không tham, không chuyển khoản cho người lạ, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng, và cảnh giác, tố giác hành vi của các đối tượng lừa đảo).

Trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời thông báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.