Kết nối di sản phát triển du lịch
Ngày hội Du lịch Xuân 2024 được tổ chức tại Văn miếu Vĩnh Phúc bao gồm chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Vĩnh Phúc – Mùa Xuân về”, trình diễn nghệ thuật dân tộc; triển lãm quảng bá du lịch Vĩnh Phúc với chủ đề “Vĩnh Phúc – Trải nghiệm 4 mùa”, triển lãm ảnh du lịch giới thiệu các di tích, danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp vùng đất và con người Vĩnh Phúc mỗi mùa đều có những nét riêng, đáng để du khách tham quan khám phá.
Trong Ngày hội Du lịch Xuân 2024 cũng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP cùng các sản vật địa phương, và kết hợp tổ chức nhiều hoạt động thể thao văn hóa khác.
“Ngày hội Ngày hội Du lịch Xuân 2024 được tổ chức, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Vĩnh Phúc, góp phần tăng cường tình yêu thiên nhiên, đất nước, văn hóa, con người Vĩnh Phúc; thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Vĩnh Phúc trong dịp đầu xuân 2024.” – ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng QLDL Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết.
Trước đó, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Văn miếu Vĩnh Phúc cũng diễn ra sự kiện trưng bày chuyên đề “Vĩnh Phúc -Tết xưa và nay”, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc và của địa phương.
Với gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày giới thiệu về Tết cổ truyền xưa và nay của dân tộc nói chung và không khí đón Tết cùng một số lễ hội tiêu biểu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Không gian “Tết xưa và nay” tái hiện không khí đón Tết, vui Xuân cùng những tập tục sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc dịp Tết của người Việt nói chung và của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với du khách tham quan, thưởng lãm.
Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội Xuân 2024, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Trong những năm qua, ngành Du lịch Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh. Ngay sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành chương trình hành động số 41-Ctr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 8275/KH-UBND của UBND Vĩnh Phúc ban hành năm 2018, và gần đây là Kế hoạch 847/QĐ-UBND ngày 18/4/2023. Trong đó, đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Vĩnh Phúc kì vọng Khai mạc ngày hội Xuân 2024 cùng với chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt trong dịp xuân: Tổ chức trưng bày chuyên đề “Vĩnh Phúc -Tết xưa và nay”; Tổ chức triển lãm quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc; Tổ chức khảo sát tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành tại một số di tích lịch sử trên địạ bàn; Tổ chức lễ hội Tây Thiên,… sẽ là đòn bẩy và cơ hội cho ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Vĩnh Phúc hiền hòa, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ý thức sâu sắc trách nhiệm của đơn vị về phục hồi và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho việc phát triển du lịch mà Tỉnh ủy – UBND tỉnh giao phó, ông Bùi Hông Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cơ quan này đang và sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch hành động của ngành, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai có hiệu quả.
Thứ nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương, quán triệt triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024;
Thứ hai, triển khai cơ cấu lại ngành Du lịch theo yêu cầu và xu hướng mới, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững; phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác công - tư; tăng cường đầu tư phát triển và làm mới sản phẩm, điểm đến phù hợp với nhu cầu của khách du lịch; khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có và tranh thủ những cơ hội mới sau đại dịch COVID-19 để đưa du lịch phát triển lên tầm cao mới.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch để kích cầu và khôi phục thị trường du lịch với nhiều giải pháp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Vĩnh Phúc thông qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động trong năm 2024.
Thứ tư, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025, khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để tổ chức khảo sát, lựa chọn, đề xuất khai thác các di tích lịch sử văn hóa; các làng văn hóa kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch.