Điểm đến hấp dẫn an toàn, thân thiện
Trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với Luật Du lịch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều nghị quyết và chương trình hành động, tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Đến thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc đã phát huy tốt các lợi thế về địa lý kinh tế như gần thủ đô Hà Nội, gần các đô thị lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; lợi thế về tài nguyên du lịch mà thiên nhiên ban tặng như Vườn quốc gia Tam Đảo; khu nghỉ mát Tam Đảo, quần thể Khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc; hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; các giá trị văn hóa phi vật thể...
Du lịch Vĩnh Phúc đã dần khẳng định được thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golf và du lịch tâm linh. Du lịch Vĩnh Phúc từng bước xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện.” - ông Đỗ Hoàng Dương cho biết.
Sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc đáp ứng nhu cầu của du khách, phù hợp xu thế, đồng thời cũng tôn trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc trên trường quốc tế.
Thay đổi từ việc “cung cấp cái mình có” sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần, phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự phong phú, an toàn, lành mạnh, mến khách.
Theo lãnh đạo phòng Quản lý du lịch Vĩnh Phúc, yếu tố con người trong phát triển du lịch luôn được địa phương quan tâm, đề cao. Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ phục vụ trực tiếp các dịch vụ du lịch, thì việc xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ là vô cùng quan trọng. Ðặc biệt, là việc phát huy tính sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch để không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương của Vĩnh Phúc.
Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm phát triển du lịch
Để tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, các dự án tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước...
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2023 tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 2.285 tỷ đồng, trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng khu du lịch là 159,1 tỷ đồng (chiếm 6,9% vốn đầu tư toàn tỉnh vào du lịch). Nguồn vốn hạ tầng du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ là do tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch với tổng vốn các công trình là 2.193 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch; cải thiện môi trường đầu tư; chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch. Hiện nay, Vĩnh Phúc có tổng số 17 dự án lớn của các nhà đầu tư và một số công trình đầu tư xã hội vào lĩnh vực du lịch đã được đầu tư với tổng số vốn trên 9.600 tỷ đồng.
Tỉnh đang vận động để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu đô thị kết hợp với du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí với quy mô lớn với giá trị đầu tư cam kết của nhà các nhà đầu tư như: dự án Tam Đảo 2 khoảng 1 tỷ USD (của Tập đoàn SunGroup); dự án trường đua ngựa quốc tế với quy mô vốn đầu tư khoảng 1,44 tỷ USD (của Tập đoàn Gomax I&D Hàn Quốc)…
Các dự án quy mô lớn như trên sẽ có tác động mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.
Theo kết quả điều tra trên toàn tỉnh, tính đến tháng 12/2017, nhân lực ngành du lịch Vĩnh Phúc chỉ khoảng 28.900 người, chiếm khoảng 2,4% tổng số lao động toàn tỉnh, trong đó có 8.650 nhân lực trực tiếp và trên 20.000 người lao động gián tiếp.
Nhưng đến năm 2023, nhân lực của ngành du lịch tại Vĩnh Phúc đã tăng và đạt đến 40.500 người, trong đó có 11.500 lao động trực tiếp. Số lượng nhân lực ngành du lịch có xu hướng tăng, phản ánh vai trò ngày càng tăng của ngành và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý nhà ở, phát triển khu đô thị, dịch vụ du lịch… trên địa bàn nói chung đã dần từng bước đi vào nề nếp, thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định; chất lượng xây dựng công trình đảm bảo yêu cầu, phát huy hiệu quả sử dụng, tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng.