Vĩnh Phúc: độc đáo phong tục mai mối của đồng bào Sán Dìu
Kết nối sợi dây tình cảm
Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù - thành viên cộng đồng người Sán Dìu, cho biết, tục mai mối của người Sán Dìu hiện vẫn còn được đồng bào lưu giữ. Đây là một phong tục tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, gắn kết cộng đồng.

Ông Lý Ngọc Một cho biết, trai gái đồng bào Sán Dìu ở xã Đạo Trù khi đến tuổi lập gia đình, thường nhờ “ông mối” đến gặp gỡ gia đình đối tác để nên duyên vợ chồng. Ông mối được nhà trai, nhà gái tin tưởng trong việc đại sự “trăm năm” của các cặp đôi, phải là những người có uy tín trong cộng đồng, có gia đình hòa thuận hạnh phúc.
Nhận lời nhờ cậy (từ nhà trai hoặc nhà gái), sau khi nắm rõ thông tin về cặp đôi muốn tiến tới hôn nhân, ông mối sẽ tiến hành các bước thăm nhà, trò chuyện với gia đình “đối tác” của người nhờ; xem tuổi cặp đôi nam nữ. Nếu mọi việc đều thuận mới tiến hành bàn đến việc dạm ngõ, cưới xin.
Đến bước này, phía nhà trai hỏi ông mối về thời gian thực hiện các nghi thức dạm ngõ, tổ chức lễ cưới. Khi họ đã chọn được ngày tốt, ông mối sang thông tin với nhà gái để bàn bạc và thống nhất.
“Sau khi tất cả các nội dung liên quan đến việc cưới xin được nhất trí, ông mối với vai trò trung gian sẽ chọn ngày đưa nhà trai sang gặp nhà gái. Đến đây, gần như công việc mai mối cho đôi trai gái nên duyên đã hoàn tất. Các bậc trưởng thượng trong gia đình hai bên sẽ bàn bạc, ấn định ngày tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ" - ông Lý Ngọc Một nói.
Cặp đôi qua mai mối thành công nên duyên vợ chồng, được ông mối gọi là "con mối". Trước đám cưới, cặp đôi phải mang lễ đến nhà ông mối để được làm thủ tục nhận làm con. Cưới xong, nhà trai, nhà gái sửa soạn lễ vật (thường là mang 2 thủ lợn) đến nhà ông mối để tạ ơn. Ông mối bày lễ lên bàn thờ gia tiên và sửa soạn mấy mâm cơm mời họ nhà trai, nhà gái cùng họ hàng đến chia vui, chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng.
Sau lễ tạ ơn và tiệc chia vui, chính thức từ đây ông mối và con mối nhận nhau như cha và con, mọi công việc liên quan đến lễ cưới cũng đã hoàn tất. Một hành trình mới sẽ bắt đầu mở ra với ông mối và con mối.
Từ đây, ông mối có trách nhiệm xem con mối như người ruột thịt, bảo ban hướng dẫn các con mối cung cách ứng xử, làm ăn. Không chỉ về mặt tinh thần, nhiều ông mối còn hỗ trợ các con mối cả về vật chất. Các con mối cũng có trách nhiệm lo lắng, san sẻ cùng ông mối những việc vui buồn trong gia đình, lễ Tết, giỗ chạp không thua gì con đẻ.
Bảo vệ tổ ấm gia đình
Theo quan niệm của người Sán Dìu, ông mối nào càng có nhiều con mối thì càng chứng tỏ là người hạnh phúc, thành đạt, càng có danh vọng và uy tín lớn trong cộng đồng, được người dân nể trọng.
Lãnh đạo UBND xã Đạo Trù cho biết thêm, ý nghĩa to lớn trong phong tục mai mối của người Sán Dìu ngoài việc kết nối cộng đồng, còn mang ý nghĩa gắn kết tình cảm đời sống vợ chồng, níu giữ tổ ấm nhiều gia đình khỏi tình cảnh chia lìa, tan vỡ.
“Ông mối là người được hai bên gia đình nhà trai, nhà gái rất tôn trọng, đặc biệt là đối với các con mối. Ở xã Đạo Trù, khi các đôi vợ chồng có xích mích, cãi cọ, họ ít khi nhờ cậy bố mẹ đẻ hay các thành viên ruột thịt trong gia đình hóa giải mâu thuẫn, mà điều đầu tiên họ tìm đến ông mối để cầu sự giúp đỡ.
Với vai trò của mình, ông mối đưa ra ý kiến khách quan, phân tích các lẽ thiệt hơn, giáo giục, khuyên nhủ hòa giải cả vợ và chồng. Nhờ ông mối mà nhiều cuộc hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ đã kịp thời được cứu vãn, tổ ấm nhiều gia đình được bảo vệ. Có lẽ vì vậy, rất ít khi xảy ra tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng người Sán Dìu. Trường hợp con mối mất đi người vợ, khi tái hôn thì người vợ mới sẽ phải mang lễ đến nhà ông mối (của chồng) để được nhận làm con mối.” – ông Lý Ngọc Một chia sẻ.
Mối liên hệ tình cảm giữa ông mối và các con mối có thể nói là thiêng liêng, không kém tình cha con ruột thịt, nên lời nói của ông mối rất được xem trọng. Mối quan hệ này kéo dài đến khi ông mối qua đời. Ngày mất của ông mối, các con mối sẽ mang lễ gồm lợn, gà, rượu, tiền đến phúng viếng như con đẻ.
Ngày nay, điều kiện kinh tế xã hội có nhiều thay đổi so với trước kia, nam nữ thanh niên đa số tự tìm hiểu và quyết định đi đến hôn nhân, xây dựng hạnh phúc gia đình mà không còn cần đến vai trò của ông mối.
Tuy nhiên, trước thực tế tỷ lệ ly hôn tăng nhiều hơn so với trước, bên cạnh việc cho phép thanh niên nam nữ tự do yêu đương, nhiều gia đình người Sán Dìu ở xã Đạo Trù vẫn cậy nhờ ông mối với mong ước tổ ấm gia đình đôi vợ chồng luôn thuận hòa, hạnh phúc.
Vĩnh Phúc: rộn rã, tưng bừng ngày hội nhập ngũ
Kinhtedothi - Sáng 13/2, hàng nghìn người dân các địa phương đã nô nức tập trung tại quảng trường 31/10, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) để động viên, cổ vũ và chia tay các thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2025.
Vĩnh Phúc: 303 VĐV thi đấu thể thao “Mừng Đảng - Mừng Xuân” Ất Tỵ 2025
Kinhtedothi - Sáng 21/2, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức khai mạc giải thể thao “Mừng Đảng - Mừng Xuân” Ất Tỵ 2025, với sự tham gia của 25 đoàn, 303 vận động viên (VĐV) đến từ các sở, ban, ngành, đoàn thể và 9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc: đẩy mạnh xã hội hoá trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Kinhtedothi - Sáng 25/2, Sở Y tế Vĩnh Phúc tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025). Tới dự có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cùng đại diện các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đội ngũ y, bác sĩ ngành y tế Vĩnh Phúc.