Sản lượng nhiều ngành công nghiệp giảm so với tháng trước
Tháng 1/2025, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài, số ngày sản xuất giảm 5-7 ngày, khiến sản lượng nhiều ngành công nghiệp giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 20,53% so với tháng trước và giảm 6,97% so với cùng kỳ năm 2024.
So với tháng 12/2024, chỉ số IIP của ngành khai khoáng giữ ổn định; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 20,75%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,25%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,85%.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP của ngành khai khoáng giảm 61,96%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,18%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 11,37%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,69%.
Thống kê cho biết, tháng 1/2025, ngoài sản lượng thức ăn chăn nuôi và giày thể thao các loại tăng so với cùng kỳ năm trước, sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu còn lại đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất là sản phẩm máy tính xách tay với mức giảm 28,53%.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 1,09% so với tháng trước và tăng 0,40% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính giảm 24,54% so với tháng trước và giảm 13,83% so với cùng kỳ năm 2024.
Một tín hiệu tích cực cũng được ghi nhận là trong tháng 1/2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho giảm 5,0% so với tháng trước và giảm 33,51% so với cùng kỳ.
Các chương trình bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng phát huy hiệu quả
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 1/2025, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tiếp tục diễn ra sôi động, nhờ các chương trình xúc tiến, bình ổn giá và kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán. Nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người dân gia tăng, góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, mặc dù một số hoạt động kinh doanh tạm dừng trong kỳ nghỉ lễ.

Tháng 1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 7.447,3 tỷ đồng, giảm 0,06% so với tháng trước nhưng tăng 9,80% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu từ cả 4 nhóm ngành hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.013,2 tỷ đồng, chiếm 80,74% tổng mức, tăng 0,56% so với tháng trước và tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 587,1 tỷ đồng, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 10,56% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,6 tỷ đồng, giảm 4,57% so với tháng trước nhưng tăng 15,74% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 831,4 tỷ đồng, giảm 4,64% so với tháng trước nhưng tăng 7,11% so với cùng kỳ.
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ giải trí, làm đẹp, sửa chữa nhà cửa được cơ quan thống kê ghi nhận có sự tăng mạnh trước Tết, đồng thời sự phát triển của thương mại điện tử đã thúc đẩy góp phần vào tăng trưởng doanh thu dịch vụ nói chung.
Tháng 1/2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng dự toán, kế hoạch thu, chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho BHXH huyện, thành phố. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến nhân dân, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhất là đối với nhóm đối tượng là nông dân, người lao động tự do.
Ước tính đến ngày 31/1/2025, có 264.142 người tham gia BHXH, chiếm 43,52% lực lượng lao động (bao gồm: BHXH bắt buộc: 265.458 người; BHXH tự nguyện: 25.691 người); tham gia BH thất nghiệp: 230.017 người, chiếm 37,89% lực lượng lao động; tham gia BHYT: 1.148.487 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,81% dân số.