Mới đây, trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 11/10, chỉ số có lúc rơi về vùng dưới 1.000 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021. Kể từ khi để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, VN-Index chưa có nhịp hồi phục nào quá một phiên trong khi liên tiếp các ngưỡng hỗ trợ tâm lý bị xuyên thủng, rất nhiều cổ phiếu đã giảm qua cả ''đáy Covid-19'', cũng như có nhiều cổ phiếu giảm 50 - 60% kể từ đầu năm.
Như nhận định của nhiều công ty chứng khoán, VN-Index đã giảm về vùng hấp dẫn, nhưng dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư đã có phần e dè hơn với kênh đầu tư này. Dữ liệu được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam công bố, số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 9 đạt 102.213 tài khoản, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Số tài khoản chứng khoán mới tháng 9 cũng cấp thấp kể từ tháng 7/2021.
Tổng số tài khoản chứng khoán mới trong ba tháng gần đây là 451.284 tài khoản, thấp hơn đỉnh điểm 476.711 tài khoản trong tháng 5/2022.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là bộ phận chiếm ưu thế trong việc mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Ghi nhận trong tháng 9 có thêm 102.144 tài khoản giao dịch chứng khoán từ nhóm này, đưa tổng số tài khoản vượt ngưỡng 6,5 triệu.
Đáng chú ý, tại nhóm ngoại, các tổ chức mở thêm 32 tài khoản tháng vừa qua, đưa tổng số tài khoản lên 4.271 tài khoản. Trong khi đó các cá nhân nước ngoài đóng 63 tài khoản. Đây là lần đầu tiên nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đóng tài khoản giao dịch chứng khoán trong 6 năm trở lại đây. Tháng 8 nhóm này mở mới 267 tài khoản.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, lãi suất tại Mỹ và giá USD dự báo duy trì ở mức cao sẽ là rào cản đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Vốn ngoại có khả năng rút ròng, tìm đến các loại tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ngày càng tăng, đồng thời xác suất của các vụ vỡ nợ lớn đang trở thành “bóng ma” đe dọa thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết cũng là yếu tố sẽ chi phối diễn biến trên thị trường chứng khoán.
Trong nước, tăng trưởng cung tiền nhìn chung đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, tiền đồng vẫn đang bị rút ròng trên kênh thị trường mở (OMO) và Ngân hàng Nhà nước có động thái bán USD. Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, khi mà không gian chính sách tiền tệ khá hạn hẹp trước các biến động khó lường từ thế giới.
Đồng thời, thị trường cũng bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có quy định chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, khiến doanh nghiệp lại phụ thuộc phần lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cũng dự báo, năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể, khiến tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) bình quân chỉ còn hơn 11%, dao động từ 0,5% ở ngành công nghiệp (giảm do lợi nhuận theo chu kỳ của cổ phiếu thép và phân bón) và 20% ở ngành tiêu dùng, tài chính, thấp hơn 10% so với dự báo tăng trưởng năm 2022 là 21%.
Chính vì vậy, thị trường cổ phiếu có khả năng sẽ gặp khó khăn cho đến khi kỳ vọng lạm phát, kỳ vọng lãi suất trên toàn cầu có xu hướng giảm và áp lực trên thị trường ngoại hối giảm.
Đối với phiên giao dịch 11/10, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, áp lực bán quay trở lại xóa đi toàn bộ nỗ lực của phiên phục hồi làm VN-Index chìm trong sắc đỏ, giảm sát mốc 1.000 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ dài giảm điểm cho thấy phe bán đã áp đảo hoàn toàn.
Nếu VN Index đánh mất vùng điểm 990 – 995 tương đương với ngưỡng Fibonacci mở rộng 0,786, thì xác suất thị trường tiếp tục lùi sâu xuống khu vực 900 điểm trong ngắn hạn tương đương với mốc 1.0 của thang đo là hoàn toàn có thể xảy ra.
VCBS giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát, chủ động cơ cấu tài khoản, nâng cao tỷ trọng tiền mặt trong những phiên phục hồi kỹ thuật và kiên nhẫn chờ đợi thị trường tìm lại điểm cân bằng để hạn chế tối đa rủi ro.