Thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % tác động đáng kể lên tâm lý giới đầu tư chứng khoán. Kết phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index giảm 28,93 điểm (2,4%) về 1.174,35 điểm, HNX-Index giảm 8,76 điểm (3,31%) còn 255,68 điểm, UPCoM-Index giảm 1,91 điểm (2,16%) còn 86,68 điểm.
Áp lực bán diễn ra trong suốt phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản gấp đôi phiên trước đó. Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 720 triệu đơn vị, tương ứng gần 18.000 tỷ đồng. Độ rộng thị trường ghi nhận hơn 870 cổ phiếu giảm giá, 107 cổ phiếu giữ mốc tham chiếu và chưa đến 160 cổ phiếu còn duy trì sắc xanh.
Trong phiên này, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là một trong các tác nhân chính kéo thị trường mất điểm. Toàn ngành chiếm 30% vốn hóa trên thị trường, lấy đi tới hơn 10 điểm của VN-Index.
Điển hình nhất là cổ phiếu CTG khi bay hơn 6% giá trị, xuống còn 23.500 đồng/cổ phiếu. Áp lực chốt lời cũng dâng cao lên 6,5 triệu đơn vị, tăng gấp đôi so với mức trung bình 10 phiên gần nhất. Theo đó, CTG là cổ phiếu dẫn đầu Top 10 mã ảnh hưởng nhất đến chỉ số chính.
Tương tự, BID kết phiên mất 3,88% về mốc 33.400 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có hơn 2 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư trao tay, cũng tăng gấp nhiều lần so với những phiên trước đó.
Cùng với đó, tỷ lệ giảm trên dưới 5% còn hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như SHB (5,3%), STB (4,4%), MBB (4,3%), VPB (4%), BID (3,9%), HDB (3,5%), TCB (2,8%)...
Toàn ngành chỉ còn duy nhất 2 mã VIB và EIB giữ được sắc xanh, còn lại đều giảm khá mạnh.
Theo AI Investor, trong bối cảnh hiện tại thật khó để tránh một thất bại cho danh mục đầu tư có hiện diện cổ phiếu ngân hàng trong năm 2022, nếu không có một sự trở lại thực sự khởi sắc của cổ phiếu ngành này trong quý IV.
Trở lại với thị trường chứng khoán chung, có thể thấy sau khi giảm liền mạch 4 tuần liên tiếp nhưng thanh khoản không tăng, thị trường giảm mạnh như phiên hôm qua đã thu hút được dòng tiền lớn quay lại bắt đáy. Tính từ đỉnh tháng 8, VN-Index giảm 133 điểm, tương đương sụt 10,33% nhưng chưa để mất đáy tháng 7, tuy nhiên nhiều nhóm cổ phiếu đã để mất ngưỡng hỗ trợ này.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường trong nước đang chịu tác động kép từ thông tin nâng lãi suất cả trong và ngoài nước. Nhìn theo hướng tích cực thì đây là xu hướng chung trên thế giới khi các ngân hàng trung ương đang chạy đua nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Thực tế lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã rục rịch từ trước, tỷ giá cũng vậy.
Do đó, thị trường đã chiết khấu các biến cố này trong 4 tuần vừa qua. Nhịp điều chỉnh của thị trường trong nước đang đồng pha với thị trường thế giới cả về xu hướng và tốc độ giảm. Do vậy, nhóm phân tích của MBS cho rằng thị trường đã đi đến đoạn cuối của nhịp điều chỉnh. Trên cơ sở đó, các nhịp giảm sẽ là cơ hội để mua gom cổ phiếu.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra khuyến nghị, các nhà đầu tư chủ động quản trị rủi ro tài khoản trong ngắn hạn, nâng cao tỷ trọng tiền mặt, kiên nhẫn chờ đợi thị trường ổn định, xuất hiện những phiên tích lũy tìm điểm cân bằng trở lại để có thể giải ngân mua cổ phiếu với giá chiết khấu tốt hơn.