Vỡ tín dụng đen, cái chết được báo trước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong 2 nhân vật có hành vi lừa đảo trên thị trường chứng khoán OTC là N. (SN 1978), đã bị cơ quan an ninh bắt giữ. Số tiền bà Như chiếm đoạt của các nạn nhân, theo xác định của cơ quan điều tra, tính đến thời điểm này lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Đổ vỡ dây chuyền

Bà Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ (TP. HCM) thuộc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), vợ của Phó Giám đốc chi nhánh Vietinbank TP.HCM.  Vụ vỡ nợ của bà Như bước đầu được cho là do thua lỗ nặng nề trên TTCK trong hai năm qua, đồng thời số tiền mà bà Như đầu tư vào bất động sản cũng không có khả năng thu hồi vì vậy không thể trả các khoản "lãi mẹ đẻ lãi con" cho các nguồn vốn được huy động của nhà đầu tư OTC.

Thông qua một môi giới tên Phương - nhân vật thứ hai, Như đã huy động rất nhiều tiền của các môi giới ở chợ này và một số NĐT với lãi suất cao lên đến 7 - 8%/tháng, thậm chí 1 - 2%/ngày nhằm thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng, đồng thời đầu tư chứng khoán, bất động sản, chi tiêu cá nhân... Sau một thời gian trả lãi đều đặn, 2 nhân vật này bặt tăm và không thể thanh toán nợ được nữa. Không chỉ dân chơi OTC tại TP.HCM mà cả khu vực phía Bắc cũng trở thành nạn nhân gián tiếp của bà Như khi huy động tiền từ người thân và bạn bè để cho Như vay nhằm lấy được lãi suất cao.

Bên cạnh việc lừa đảo huy động vốn từ các cá nhân và vỡ nợ, nạn nhân của bà Như còn có cả một số CTCK, ngân hàng nhỏ, nhân viên môi giới tại các CTCK, giới kinh doanh bất động sản... Là Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng lớn, có chân trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCK Phương Đông ORS và có mối quan hệ rộng với nhiều ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, bà Như đã sử dụng sổ tiết kiệm giả, giấy tờ bất động sản và cả giấy tờ thế chấp giả... để vay vốn, chơi chứng khoán ký quĩ, trở thành khách VIP của một số CTCK. TTCK sụt giảm, khách VIP thua lỗ, cháy tài khoản, đồng thời để lại số nợ lớn cho các CTCK.

Thông tin về vụ lừa đảo, vỡ nợ của bà Huỳnh Thị Huyền Như liên quan tới nhiều CTCK đang gây xôn xao và ảnh hưởng đến tâm lý của NĐT. Các chỉ số chứng khoán VN Index và HNX đều quay đầu giảm điểm. Tại buổi hội thảo tổ chức cuối tuần qua tại CTCK Vietcombank, dù vẫn kỳ vọng tin tưởng vào tiềm năng dài hạn TTCK VN song nhiều ý kiến vẫn e ngại thị trường đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trước mắt cần phải vượt qua như áp lực về tỉ giá từ nay đến cuối năm, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng đang tăng nhanh, NĐT nước ngoài đang dần rút khỏi thị trường, và trong tháng 9 khối này đã bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng… Những yếu tố hỗ trợ cần thiết cho một xu thế tăng điểm vẫn khá mờ nhạt và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Lời cảnh tỉnh

Những ngày gần đây câu chuyện mà mọi người nhắc trên các sàn chứng khoán đều liên quan đến bà Như. Nhiều người lo lắng về khả năng mất trắng hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân là chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau mà các "cò" OTC cho vay, không có giấy tờ gì xác nhận cũng như tài sản đảm bảo để nếu người đứng ra vay không hoàn trả có thể xiết nợ được.

Trong một văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, Vietinbank khẳng định: "Liên quan đến vụ việc nói trên có 2 nhân viên của Vietinbank và 2 nhân viên này đã bị sa thải. Ngân hàng không chịu bất kỳ tổn thất gì về tài chính liên quan đến sự việc phát sinh nợ xấu do liên quan đến vụ nổ tín dụng trên thị trường OTC".

Trong hai ngày 6 và 7/10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) tại TP. HCM cũng đã làm việc với nhiều CTCK để nắm các vấn đề liên quan đến vụ vỡ nợ của bà Huỳnh Thị Huyền Như. Hai công ty chứng khoán là KimEng và Phương Đông (ORS), nơi bà Như là thành viên HĐQT,  đã lên tiếng khẳng định vô can. ORS cho biết đang xem xét lại tư cách thành viên HĐQT của bà Như. ORS cũng khẳng định bà Như không mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại đây. Công ty cũng không hề có bất kỳ giao dịch vay mượn nào với cá nhân bà Như trong thời gian qua. Tuy nhiên, những thông tin được công bố lại chưa đề cập đến những vấn đề mà dư luận "nghi vấn". Theo báo cáo tài chính quí II/2011 của ORS, công ty có một khoản phải thu khác lên tới 1.483 tỉ đồng (chiếm 99,5% tổng các khoản phải thu ngắn hạn). Dư luận đang đặt ra nghi vấn các khoản phải thu này liên quan đến hoạt động margin của công ty.

Vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ, tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, đây có thể là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các CTCK cho vay đòn bẩy với số lượng lớn trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều bất cập, nhất là trong giai đoạn TTCK còn nhiều khó khăn như hiện nay. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần đặc biệt phải lưu ý trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh, UBCK:
 
Theo số liệu các CTCK báo về thì hiện có 11 CTCK vi phạm chỉ tiêu an toàn tài chính (tỉ lệ vốn khả dụng dưới 180%), trong đó có 4 công ty rơi vào tình trạng cảnh báo đặc biệt (vốn khả dụng dưới 120%). Ông Sơn cũng cho biết, UBCK đã nhận được thông tin về vụ lừa đảo và đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ sự việc và sẽ sớm có thông tin tới NĐT và công luận.