Vơi bớt gánh nặng học phí

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ ban hành nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập theo hướng giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.

Giờ học của học sinh trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng

Nghị quyết tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân. Với quyết sách này các cơ sở giáo dục sẽ gặp khó khăn nhưng hơn lúc nào hết đang rất cần cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía.

Theo lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021, từ năm học 2022 - 2023, mức tăng học phí hằng năm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm: Khoảng 7,5%/năm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5%/năm đối với giáo dục đại học công lập. Nếu áp dụng mức tăng học phí theo Nghị định 81 thì mức trần học phí sẽ tăng gấp vài lần so với trước.

Mặc dù dịch dã đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, nhưng việc phục hồi kinh tế - xã hội vẫn cần nhiều thời gian, năm 2023 được dự đoán là năm có nhiều khó khăn trong tăng trưởng kinh tế trong khi học phí giáo dục liên quan đến túi tiền của từng gia đình. Do đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân. Sau đó, Bộ GD&ĐT cũng đã đề xuất lên Chính phủ để ban hành Nghị quyết về học phí cho năm học 2022 - 2023 bằng mức năm 2020 - 2021.

Việc tạm dừng tăng học phí có thể khiến các cơ sở giáo dục đại học công lập, kể cả các trường tự chủ hay chưa tự chủ, gặp khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Chính phủ cũng khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh Covid–19. Như vậy, trong thời điểm phục hồi kinh tế sau Covid-19 còn gian nan thì việc đầu tư cho giáo dục sẽ không chỉ là trách nhiệm của các gia đình, hay ở ngân sách Nhà nước mà cả ở các DN.

Thành công của mô hình đa dạng hóa nguồn thu cũng đã thấy rõ từ trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ba năm nay, trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn giữ nguyên học phí. Để có thể không tăng học phí mà vẫn bảo đảm chất lượng đào tạo, nhà trường đã tìm cách huy động tài chính từ các nguồn lực khác nhau. Có thể là các tổ chức trong nước, quốc tế, các nhà tài trợ, các tổ chức nghề nghiệp, đối tác nước ngoài, cựu sinh viên… Tất cả chung tay đầu tư xây dựng cơ sở thực hành, mô phỏng cho sinh viên hay các hoạt động khác của trường.

Quan tâm đúng mức, kịp thời đối với lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng học phí là mục tiêu đầu tiên để thực hiện tốt chính sách trồng người bền vững. Thời điểm này, mỗi địa phương tùy vào điều kiện kinh tế có thể đưa ra những chính sách an sinh xã hội phù hợp, và một trong những điều thiết thực nhất chính là giảm nỗi lo của người dân về chi phí học hành.