Vội đến rồi đi

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị gặp anh trong bữa tiệc cuối năm do một công ty đối tác mời. Anh bề ngoài lịch lãm, cao ráo. Chị lúc đó cũng đã lớn tuổi, ngoài 30.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ trong bữa tiệc đó, chị đã gật đầu đồng ý nhận lời anh đi uống cà phê như là lời hẹn hò đầu tiên. Và chỉ sau vài ba lần hẹn như vậy, chị đồng ý cùng anh lập gia đình. Đám cưới diễn ra nhanh đến mức bạn bè của chị cũng ngạc nhiên. Có đứa hỏi: “Mày có vội vàng quá không?” .

Trong thâm tâm, chị biết rằng, đúng là sự việc diễn ra quá nhanh. Chị biết mình do áp lực đã lớn tuổi, hơn nữa trông anh rất hợp nhãn. Anh cũng là người cư xử chu đáo, cứ nhìn cái cách anh gọi đồ uống cho chị, mở cửa xe taxi cho chị lên khi chia tay sau cuộc hẹn là biết.

Chị cũng rất thích gu ăn mặc của anh, có vẻ gì nó lãng tử dù chỉn chu.

Hồi thiếu nữ, ai cũng bảo chị là cô gái xinh xắn, với dáng cao ráo, nước da trắng trẻo. Nhưng bọn con trai nói chị rất khó gần, vì có tướng bà cụ non, lại dành gần như toàn bộ thời gian học, ít khi giao lưu với bạn bè, nhất là bạn trai. Vậy nên, chị ít có người theo đuổi. Qua tuổi băm, chị vẫn một mình một bóng và bị mọi người coi là gái ế. Mẹ chị cứ than vãn, thở dài, rằng “không biết cái của nợ này đến bao giờ đi lấy chồng”. Bà nội chị nhìn chị cười hóm hỉnh: “Duyên chưa đến thôi!”.

Gặp anh, chị nghĩ “cái duyên” của mình đã đến, chứ không có chuyện gì vội ở đây cả.

Rồi chị lại nhanh chóng có thai, chỉ mấy tháng sau khi làm đám cưới. Mẹ chị vui bảo, con gái có lứa có thì, tuổi lớn rồi khó sinh nở.

Nhưng chị lúc này bắt đầu lờ mờ nhận ra điều gì đó không phải ở gia đình. Anh không còn kiểu chăm sóc chị như trước, hỏi xem chị thích uống gì, dắt xe vào nhà cho chị… Cứ đi là về, anh hoặc ôm ti vi, hoặc dán mắt vào điện thoại, mặc kệ chị lo cơm nước, quét dọn nhà cửa.

Chị nói: “Anh giúp em việc nhà với. Em đi làm về cũng mệt”. Anh đáp: “Mấy việc lặt vặt, em khoắng cái là xong”.

Đã vậy, ngoài việc ở công ty, anh không quan tâm đến nhà cửa của mình như thế nào, tất cả phó mặc cho chị. Những chuyện như bóng đèn hỏng, quạt điện hỏng…, chị đều phải lo hết. Con nhỏ hay đau ốm. Có khi con sốt cao hai ngày liền không đỡ, chị phải đưa con đi bệnh viện. Chị gọi anh: “Con ốm, thu xếp về đưa mẹ con đi bệnh viện”. Anh đáp: “Anh có lịch bận rồi. Em chịu khó chở con đi. Nếu không chở được thì đi taxi. Chứ anh đi cũng đâu có giải quyết được gì…".

Vài lần như vậy, hễ con ốm là chị tự chở con đi bệnh viện, không kêu anh nữa. Buồn là, con đi viện về, anh cũng chỉ hỏi cho qua chuyện…

Chị không biết lương lậu của anh ra sao, nhưng hầu như anh không đưa cho chị đồng nào. Chị hỏi: “Anh ơi! Hằng tháng anh đưa tiền ăn cho em với”. Anh nói: “Em thu nhập cao thế, còn hỏi lương anh làm gì?”.

Dần dần, chị cảm giác mình lấy anh đúng là hơi vội. Vẻ ngoài chỉn chu của anh cũng không đúng như chị nghĩ. Mỗi lần ra ngoài, anh rất chải chuốt, áo quần thẳng, thơm phức. Nhưng về nhà, anh trông bệ rạc, nhìn khác hẳn, người lờ đờ, nhếch nhác, tóc tai rũ rượi…

Một hôm, chị nói với anh: “Thật lòng em muốn đi cùng anh suốt cuộc đời, nhưng em thấy anh không muốn vậy. Anh không đồng hành với em trong cuộc sống gia đình, nhất là những khi con cái đau ốm. Nếu cứ như thế này, em không có lý do để cùng anh chung một mái nhà cả. Mình chia tay đi. Càng sớm càng tốt”.

Chị bồng con về nhà mẹ đẻ. Mẹ chị nhìn chị không vui nhưng cũng không tỏ ý phản đối. Còn bà nội nhìn chị hóm hỉnh: “Duyên đến rồi duyên lại đi, rồi lại đến. Mày ạ!”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần