Volkswagen và bài học về giá trị của trung thực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng sau vụ bê bối gian lận khí phát thải của Volkswagen (VW) bị phát giác, trụ sở chính của tập đoàn sản xuất ô tô tại Đức đã bị các nhà điều tra khám xét, trong khi Giám đốc điều hành (CEO) chi nhánh tại Mỹ phải điều trần trước Quốc hội nước này.

Kinhtedothi - Hơn một tháng sau vụ bê bối gian lận khí phát thải của Volkswagen (VW) bị phát giác, trụ sở chính của tập đoàn sản xuất ô tô tại Đức đã bị các nhà điều tra khám xét, trong khi Giám đốc điều hành (CEO) chi nhánh tại Mỹ phải điều trần trước Quốc hội nước này.
Sự kiện này theo GS Peter Singer là cơ hội định hình tương lai của sự trung thực trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội của DN.

Trong những năm 1970, mỗi khi thuật ngữ “đạo đức kinh doanh” được đề cập, giới doanh nhân thường trích dẫn tuyên bố nổi tiếng của Milton Friedman – chủ nhân của giải Nobel Kinh tế năm 1976: “DN chỉ có một trách nhiệm duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận, gia tăng giá trị cổ đông”. Tuy nhiên, 40 năm sau, các doanh nhân đã thôi viện dẫn lý thuyết của Friedman và bắt đầu đề cập nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội của DN với cổ đông, khách hàng, nhân viên và cộng đồng.
Sự hoài nghi của khách hàng vào chất lượng sản phẩm là cái giá đắt mà VW phải trả cho hành vi gian lận.
Sự hoài nghi của khách hàng vào chất lượng sản phẩm là cái giá đắt mà VW phải trả cho hành vi gian lận.
Năm 2009, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những sinh viên tốt nghiệp MBA của Trường ĐH Kinh doanh Havard đã lần đầu thực hiện lời tuyên thệ đạo đức. Theo đó, họ thề “sẽ phục vụ vì điều tốt đẹp hơn, hành động với sự chính trực cao nhất và chống lại những quyết định, thái độ có thể giúp cho tham vọng hạn hẹp của bản thân nhưng có hại cho DN và xã hội nơi chúng tôi hoạt động”. Kể từ đó, quan điểm về “trách nhiệm xã hội” của DN dần lan rộng khi sinh viên thuộc 250 trường kinh doanh trên toàn cầu đều thực hiện lời tuyên thệ tương tự. Năm nay, 90.000 nhân viên của hệ thống các ngân hàng tại Hà Lan đã tuyên thệ sẽ làm việc hết mình, đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của cả cổ đông, hành động một cách công khai, minh bạch và phù hợp với trách nhiệm xã hội. Tại Australia, hơn 300 người đã tự nguyện tuyên thệ lời thề đạo đức về tài chính ngân hàng đã lên tiếng tố cáo những hành vi sai trái trong hoạt động giao dịch tài chính ngân hàng và kêu gọi những người khác cũng có hành động tương tự.

Tuyên bố và hành động cụ thể để thực hiện “trách nhiệm xã hội”, “đạo đức kinh doanh” ngày càng được chú trọng như một cách để xây dựng hình ảnh công ty, bồi đắp lợi ích của tập đoàn. Tuyên bố không dùng trứng của gà bị nuôi nhốt mà đế chế kinh doanh thức ăn nhanh McDonald đưa ra đầu tháng 9 để đóng góp cho “sự tiến bộ về đạo đức” đã không gặp phải bất kỳ sự hoài nghi nào cho đến khi bê bối tại VW bị vỡ lở. Thay vì những chiếc xe “xanh”, hơn 11 triệu xe VW có gắn động cơ diesel đã bị gắn chip gian lận và phát thải ra môi trường lượng khí N2O gấp 40 lần mức cho phép.

Không chỉ gây mất niềm tin vào một DN cụ thể là VW, bê bối này khiến cả thế giới hoài nghi về những biến chuyển của thế giới kinh tế suốt hơn 40 năm qua. Vì vậy, không chỉ VW phải trả giá cho hành động của mình bằng những thiệt hại về vật chất và uy tín của DN, Đức – quốc gia nổi danh bởi những sản phẩm chất lượng cao và lịch sử vẻ vang của ngành công nghiệp ô tô cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Và cuối cùng thị trường toàn cầu - nơi mỗi giây có hàng triệu sản phẩm các loại được tiêu thụ, niềm tin của người tiêu dùng đang lung lay. Khách hàng chợt nhận ra rằng, không hề có cái gọi là cuộc cách mạng của “trách nhiệm xã hội” bởi trong kinh doanh, tất cả những lý thuyết về “đạo đức kinh doanh” chỉ để “ngụy trang” cho mục tiêu đầu tiên và cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận.

Rất may là thị trường có câu trả lời của riêng mình và gian lận của VW chỉ là trường hợp đơn lẻ. Hầu hết các nhà lãnh đạo khôn ngoan đều hiểu rằng dùng mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận sẽ là một “canh bạc liều lĩnh”. Trên thực tế, phần mềm gian lận của VW dù tinh vi đến đâu cũng không qua mặt được các nhà khoa học tại trường Đại học West Virginia – những người đã khám phá ra vụ việc gian lận này. Cổ phiếu của VW đã mất hơn 1/3 giá trị sau vụ bê bối. Ngoài khoản phạt lên tới 18 tỷ USD, số tiền thu hồi và sửa chữa động cơ của hơn 11 triệu xe có thể khiến VW không thể trụ vững. Rõ ràng so với khoản lợi nhuận mà cổ đông có thể nhận được gần như ngay lập tức, giá trị của “trung thực” với DN – khoản lợi nhuận tuy vô hình nhưng lại là tài sản rất lớn với một tập đoàn như VW.

Sự chấm dứt thời đại hoàng kim của VW sẽ giúp cho các tập đoàn khác hiểu rằng đạo đức kinh doanh chính là một thành phần thiết yếu của việc tối đa hóa lợi nhuận. Khi đó, ít nhất các vụ bê bối như của VW sẽ trở nên hiếm hoi hơn.
GS Peter Singer hiện đang giảng dạy tại Đại học Princeton (Mỹ) và là GS danh dự tại Đại học Melbourne (Australia). Năm 2013, ông được Viện Duttweiler Gottlieb xếp thứ 3 trong danh sách “nhà tư tưởng đương đại có ảnh hưởng lớn nhất thế giới”.