Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vòng 5 tái đàm phán Hiệp định NAFTA: Vẫn còn ngổn ngang

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là vòng đàm phán đầu tiên mà không có sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách Kinh tế, cho thấy khả năng đạt được thỏa thuận không cao.

Ngày 16/11, Mexico, Mỹ và Canada đã bắt đầu vòng 5 tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tại Thủ đô Mexico City.
Tại vòng đàm phán lần này, đại diện của Mexico, Mỹ và Canada thảo luận về các lĩnh vực dệt may, lao động, dịch vụ và sở hữu trí tuệ, cùng với các vấn đề còn tồn đọng từ những vòng đàm phán trước.
 Đại diện đoàn đàm phán 3 nước tại vòng 5 tái đàm phán NAFTA.
Vào thứ Bảy tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray đã đưa ra khuyến cáo về khả năng nước này sẽ dừng việc hợp tác với Mỹ trong quá trình tuần tra biên giới chung nếu mất đi những lợi ích kinh tế từ NAFTA. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khuyến cáo Mỹ đang mất dần kiên nhẫn khi quá trình đàm phán bị kéo dài và Canada thì đang sử dụng các điều khoản trong NAFTA để kiện Mỹ áp thuế không công bằng đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm của nước này.

Tương lai của Hiệp định đang bị đe dọa khi các vòng tái đàm phán đi vào bế tắc với một số bất đồng liên quan đến yêu cầu của Mỹ về tăng tỷ lệ nội địa khu vực với ngành ô tô từ mức 62,5% lên 85%, trong đó ít nhất là 50% tỷ lệ nội địa Mỹ, chu kỳ 5 năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ chương 19 về giải quyết tranh chấp.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất việc đưa vào NAFTA điều khoản bắt buộc các bên cần xem xét việc gia hạn Hiệp định 5 năm một lần. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã bác bỏ ý tưởng được coi như “cái chết bất ngờ” này: "Chúng ta có thể xem xét hiệu quả của NAFTA sau 5 năm để có những điều chỉnh phù hợp, thay vì việc đưa ra một cơ chế tự động loại bỏ”. Ngoài ra, ông Guajardo cũng cho rằng, việc đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô là một bài toán khó khả thi: “Đây là một đề xuất cứng nhắc đối với ngành công nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu. Sẽ là không logic khi nói rằng trong vòng 3 năm, chúng ta sẽ phải tăng tỷ lệ nội địa hóa hiện nay tới một con số cụ thể như 85%. Sự chuyển đổi này phải tính tới khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật của các nền kinh tế”.

Tuy nhiên, về khía cạnh tích cực, quá trình đàm phán đã đạt được tiến triển đáng kể trong một số lĩnh vực như viễn thông, chính sách cạnh tranh, thương mại kỹ thuật số, hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Ngoài ra, các bên cũng đạt được thỏa thuận về quy định đối với DN vừa và nhỏ, trong khi vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dự kiến sẽ sớm đạt được những đột phá nhất định.

Trong bối cảnh hiện nay, thách thức đối với các bên là việc cần sớm đi đến thỏa thuận cuối cùng về NAFTA, chậm nhất là vào tháng 3 năm sau, trước khi tiến trình đàm phán bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chính trị như cuộc bầu cử Tổng thống Mexico và bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra trong năm 2018.