VPBank: Năm sau, chia cổ tức tiền mặt đến 30%, mua công ty bảo hiểm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu cuối phiên ĐHĐCĐ VPBank, ông Ngô Chí Dũng- Chủ tịch HĐQT cho biết, ngân hàng này dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm”.

Mục tiêu lợi nhuận 2022 ngấp nghé 30.000 tỷ đồng, kỳ vọng tiềm năng mảng ngân hàng đầu tư 

Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank- Mã CK: VPB) tổ chức ĐHĐCĐ năm 2022, trình cổ đông kế hoạch tăng vốn lên gần 80.000 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận đột phá. 

Tại ĐHĐCĐ, VPBank trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng đột phá năm nay: Tổng tài sản đạt 697.000 tỷ đồng, tăng 27%; tiền gửi tăng 28%, tín dụng tăng 35%. Đặc biệt, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. 

Trả lời câu hỏi của cổ đông, lãnh đạo VPBank tự tin với các mục tiêu này và cho răng các chỉ tiêu tăng trưởng đã được tính toán dựa trên  nhu cầu và năng lực của Ngân hàng. Trong quý I/2022, lợi nhuận VPBank đã lên tới 11.000 tỷ đồng. 

"Tất nhiên, lợi nhuận quý I tăng mạnh là nhờ có khoản thu bất thường từ khoản phí trả trước bảo hiểm của AIA, song  kết quả kinh doanh cốt lõi của ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt"- lãnh đạo VPBank cho biết.

Ban lãnh đạo VPBank cũng đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng mảng ngân hàng đầu tư thời gian tới, nhất là lĩnh vực chứng khoán. 

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn cho VPBank Securities, song được dự báo là mảng mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng trong tương lai. Nếu mọi việc thuận lợi, năm nay, HĐQT có thể tăng vốn điều lệ cho công ty này lên 20.000 tỷ đồng vào cuối năm. Hiện tại, VPBank Securities có vốn điều lệ 8.400 tỷ đồng, trong top công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất.

Tiếp tục coi trọng tín dụng bất động sản

Về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022, nhiều cổ đông lo ngại thị trường bất động sản trầm lắng có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng. Lãnh đạo VPBank cho hay, hiện cho vay kinh doanh bất động sản chiếm chưa đến 10%, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 40% tổng dư nợ tín dụng bán lẻ. Nhu cầu mua nhà để ở của người dân là nhu cầu chính đáng và không bị siết. Chính vì vậy, VPBank đã và sẽ tiếp tục coi trọng mảng tín dụng bất động sản. Riêng cho vay bất động sản nghỉ dưỡng và đầu cơ tiếp tục được chú ý và kiểm soát chặt. Vì vậy, thị trường bất động sản có thể chậm lại, song cũng không ảnh hưởng tới hoạt động của VPBank.

Tại Đại hội, lãnh đạo VPBank trình cổ đông để lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối (21.258 tỷ đồng) để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng (gồm lợi nhuận sau thuế để lại năm 2021 và lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng công ty con trong năm 2021).

VPBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP (từ nguồn cổ phiếu quỹ) và kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ.

Hiện nay, vốn điều lệ của VPBank là hơn 45.000 tỷ đồng. Theo tờ trình phương án tăng vốn điều lệ, năm nay, VPBank sẽ tăng vốn thành 2 đợt.

Đợt 1, ngân hàng sẽ tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 50%. Tổng nguồn vốn dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ là 22.377 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, dự kiến vốn điều lệ mới là 67.434 tỷ đồng.

Đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ để nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa dự kiến 1,19 tỷ cổ phiếu. Giá phát hành do HĐQT quyết định theo thỏa thuận giữa bên, thời gian phát hành năm 2022 sau khi các cơ quan quản lý chấp thuận. Vốn điều lệ mới dự kiến là 79.334 tỷ đồng. 

Hiện, quá trình đàm phán đang diễn biến tích cực và có thể hoàn tất ngay năm nay.

Nguồn vốn điều lệ tăng lên từ các đợt tăng vốn điều lệ sẽ được sử dụng nhằm tăng cường năng lực tài chính rộng hoạt động kinh doanh, góp vốn/mua cổ phần, mua công ty con, công ty liên kết và các kế hoạch liên kết, hợp tác khác với các tổ chức tín dụng và các công ty con; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động, an toàn vốn…

Mua công ty bảo hiểm Opes

Tại Đại hội, lãnh đạo VPBank cũng trình cổ đông thông qua việc mua Công ty Bảo hiểm Opes. Đây là DN kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, kinh doanh bảo hiểm sức khẻo, tái bảo hiểm, quản lý quỹ và đầu tư vốn tại Việt Nam.

Nhiều cổ đông băn khoăn vì giá cổ phiếu VPB đang xuống thấp, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay, nhiệm vụ của HĐQT là làm sao để hoạt động ngân hàng tốt nhất qua đó giá trị của ngân hàng và cổ phiếu đi lên. Tuy nhiên, VPBank đang có bộ đệm về vốn, nền tảng tốt, nên năm tới có thể ngân hàn có thể mua cổ phiếu quỹ, sau đó lựa chọn thời điểm thích hợp có thể bán như một khoản đầu tư sinh lời.

Phát biểu cuối phiên ĐHĐCĐ chiều nay, ông Ngô Chí Dũng cho biết: “Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới mà hđqt dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần