70 năm giải phóng Thủ đô

Vụ bấm 4 biển số xe siêu đẹp: Xử lý thế nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan vụ bấm 4 biển số xe siêu đẹp ở Đồng Nai, theo luật sư, trường hợp 2 vợ chồng bấm biển cho 4 chiếc xe mà tất cả đều là biển số đẹp thì người dân nghi ngờ không phải bấm ngẫu nhiên là có cơ sở.  

Tạm đình chỉ công tác phó công an xã

Liên quan đến vụ 4 biển số xe siêu đẹp, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với một phó công an xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ. Cán bộ này bị tạm đình chỉ công tác vì làm sai quy trình hướng dẫn đăng ký xe, chứ không có dấu hiệu can thiệp vào hệ thống bấm biển số.

Biển số siêu đẹp gây xôn xao dư luận những ngày qua
Biển số siêu đẹp gây xôn xao dư luận những ngày qua

Trước đó, ngày 29/3, Công an tỉnh Đồng Nai nhận thông tin 2 người dân đến Công an xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, để bấm biển số. Trong đó, một nam giới bấm được biển số 60B6-888.89 cho chiếc xe hiệu Suzuki RGV120 và biển số 60B6-888.86 cho xe SH150i. Vợ người đàn ông này bấm được biển số 60B6-888.88 và biển 60B6-888.68 cho 2 chiếc xe cùng mang nhãn hiệu Yaz.

Ngay trong tối 29/3, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra gồm các lực lượng thuộc Phòng CSGT, Phòng Tham mưu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xuống Công an xã Sông Nhạn xác minh. Đoàn công tác đã niêm phong hồ sơ, máy móc để làm rõ xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Lực lượng chức năng đã làm việc với những bên liên quan, yêu cầu cán bộ phụ trách và cặp vợ chồng bấm được 4 biển số siêu đẹp này tường trình lại sự việc; phối hợp với các đơn vị liên quan tạm giữ 4 phương tiện để cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc, quy trình và thụ lý hồ sơ đăng ký cấp biển số.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, quan điểm của Công an tỉnh Đồng Nai là điều tra làm sáng tỏ mọi việc, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Liên quan đến vụ bấm 4 biển số xe đẹp, Bộ Công an đã vào cuộc, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai để làm rõ.

Không thể ngẫu nhiên

Liên quan vụ việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, nếu hai vợ chồng bấm 4 lần liên tục được 4 biển số xe đẹp thì không thể là ngẫu nhiên. Do đó, nếu không có sự tác động thì có thể sẽ là sai sót về kỹ thuật hoặc sai quy trình bấm biển.

Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường

Việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô, xe gắn máy được thực hiện theo hình thức bấm số ngẫu nhiên và công an cấp xã cũng được giao nhiệm vụ làm thủ tục bấm biển số, đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy.

Căn cứ theo quy định tại khoản 6 (Điều 3, Thông tư 58/2020/TT-BCA), được sửa bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA, công an xã sẽ là cơ quan thực hiện đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở hoặc cá nhân có nơi thường trú tại địa phương mình. Giám đốc công an tỉnh, TP sẽ xem xét các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương; sau đó thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông rồi mới quyết định có cho xã đó thực hiện việc đăng ký xe hay không.

Xã nào trong 3 năm gần nhất có số lượng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký mới của cá nhân đăng ký thường trú, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở trên địa bàn ở xã đó từ 250 xe trở lên/năm thì công an xã sẽ được giao quyền cấp đăng ký, biển số xe máy.

Việc quy định thẩm quyền đăng ký và cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy thuộc về công an cấp xã là quy định mới và cũng mới được áp dụng ở một số địa phương nên có thể xảy ra sai sót, thậm chí tiêu cực.

“Quy trình đăng ký xe và thủ tục bấm biển được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Trường hợp hai vợ chồng bấm biển cho 4 chiếc xe mà tất cả đều là biển số đẹp thì người dân nghi ngờ không phải bấm ngẫu nhiên là có cơ sở. Vì vậy, sau khi những người này đăng biển số lên mạng xã hội để khoe thì nhiều người đã phát hiện sự bất thường và cơ quan chức năng đã yêu cầu kiểm tra” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh để có kết luận chính xác về vụ việc làm căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật. Trách nhiệm pháp lý vụ việc trên sẽ được giải quyết phụ thuộc vào kết luận của cơ quan chức năng. Theo đó, nếu kết quả bấm biển là do lỗi kỹ thuật thì cơ quan chức năng và người bấm đều không có lỗi. Lúc này, thủ tục bấm biển, đăng ký bị hủy bỏ, sự việc chỉ là rút kinh nghiệm chứ không xử lý bằng chế tài (vì không ai có lỗi).

Trường hợp xác định có tiêu cực, vì nhận lợi ích vật chất (từ 2.000.000 đồng trở lên) mà tác động để cấp biển số đẹp theo yêu cầu của người tác động thì sẽ khởi tố tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" đối với người đưa và người nhận hối lộ.

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy đã có tiêu cực trong việc cấp biển số xe nhưng không có sự thỏa thuận giữa người thực hiện thủ tục cấp biển số và người đề nghị cấp biển số. Khi đó, hành vi được xác định là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước thì có thể vẫn xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

“Nếu kết quả xác minh không phát hiện sai sót về quy trình, cũng không phát hiện sai sót về kĩ thuật, không chứng minh được có hành vi tác động tiêu cực, không có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước thì sẽ không xử lý và thu hồi các biển số xe này” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.