Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ “Bị giam oan, tòa né bồi thường” ở Cà Mau: Nhiều vi phạm nghiêm trọng quá trình tố tụng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt giữ người dưới 16 tuổi, nhưng không thông báo cho cha mẹ để giám hộ. Khi chưa có quyết định khởi tố bị can đã phân công người bào chữa. Thậm chí có 2 thanh niên đang ngủ cách xa hiện trường từ 40km - 150km, nhưng khai vanh vách diễn tiến vụ án, nhận diện chính xác từng người!

Dự kiến ngày 20/3, TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử phúc thẩm lần 2. Ở lần xét xử trước, cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm tháng 7/2016 của TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vì nhiều vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng.
Phân công người bào chữa… trước khi khởi tố bị can
Đến phiên sơ thẩm lần 2 (trong các ngày 21, 22 và 25/11/2019), HĐXX gồm: Thẩm phán - chủ tọa Lâm Hoài Ân, 2 hội thẩm nhân dân Nguyễn Hoàng Kha, Võ Thanh Liêm; đại diện Viện KSND TP Cà Mau là ông Dương Bá Tùng, Ngô Kiên Định.
HĐXX tuyên 4 bị cáo: Đặng Hữu Thời (SN 1990) 90 tháng tù; Nguyễn Hoài Nam (SN 1996) 78 tháng tù; Lâm Hải Long (SN 1999) 48 tháng tù; Lê Phước Trung (SN 1987) 66 tháng tù. Ngay sau khi chủ tọa đọc xong bản án, cả 4 bị cáo nộp đơn kháng cáo kêu oan tại tòa. Bởi lẽ ngay trong 2 bản án sơ thẩm bộc lộ nhiều sai sót và bản án cũng thừa nhận “có thiếu sót trong việc nhận dạng người vi phạm, hung khí gây án”.
Quyết định khởi tố bị can vào ngày 26/3/2015, nhưng từ ngày 15/3/2015 đã phân công người bào chữa.
Theo hồ sơ vụ việc, vào khuya 14/3/2015, trên địa tỉnh Cà Mau xảy ra 2 vụ chém người. Vụ thứ nhất tại cống Nàng Âm (huyện Cái Nước), nạn nhân là Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng đang trên đường về nhà thì một nhóm người đuổi chém, Thời bị thương nặng ở đầu,vai và tay. Gần thời điểm này, trước cổng khu đô thị Hoàng Tâm (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) cũng xảy ra một vụ chém người, bị hại là anh Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến.
Từ ngày 15/3/2015 đến 17/3/2015, lần lượt các thanh thiếu niên: Long, Thời, Nam, Trung, Nguyễn Anh Duy (đã được đình chỉ bị can, đang đòi bồi thường oan sai - PV), Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong bị bắt khẩn cấp với lý do chém anh Toàn, Tiến, Khen. Sau 9 ngày tạm giữ, Nguyên và Phong được trả tự do.
Điều đáng nói, khi Long bị bắt mới được 15 tuổi 7 tháng 8 ngày, nhưng cha mẹ Long hoàn toàn không được thông báo để từ đó giám hộ mà thay vào đó là luật sư Trần Dân Quốc (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau). Trong khi cha mẹ Long không bị hạn chế hay bị tước bỏ quyền giám hộ. Thậm chí, trong khi ngày 26/3/2015, mới khởi tố bị can nhưng ngay từ 15/3/2015 (chủ nhật) đã có văn bản phân công người bào chữa.
Đang ngủ cách hiện trường 40km và 150km, vẫn khai chi tiết
Vi phạm nghiêm trọng nữa trong vụ án này là Nguyên và Phong dù ở cách xa hiện trường từ 40km - 150km, nhưng vẫn khai vanh vách chi tiết và viết “tờ nhận tội”.
Cụ thể, anh Nguyên khai: “Khoảng hơn 0 giờ ngày 15/3/2015, tôi đang ngồi uống nước với bạn Duyên, Thư tại quán cà phê thì anh Thời điện thoại nói bị đánh ở khu đô thị Hoàng Tâm, mày vô tiếp anh. Nghe xong, tôi đưa 2 người bạn về nhà rồi đi vào khu Hoàng Tâm. Khi đi qua đầu đường vào xã Lý Văn Lâm, tôi gặp bạn Lâm Tấn Phong đang ngồi uống cà phê một mình. Tôi dừng xe nói: Anh Thời bị đánh, bạn đi tiếp anh Thời với tôi và anh Phong đồng ý lên xe tôi chở đi.
Khi đến trước nhà nghỉ Trung Hoa, gặp anh Thời cầm cây mã tấu (dao tự chế) Trung cầm dao phay, Nam cầm mã tấu, những người còn lại cầm vật gì tôi không xác định. Chúng tôi tập trung tại đó khoảng 10 phút, thì anh Thời đưa tay chỉ về hướng bãi cát và nói “nó kìa”. Lúc này cả nhóm cầm hung khí chạy đến chém 3 thanh niên đó. Riêng tôi cầm khúc cây tràm dài khoảng 80 - 90cm, đường kính khoảng 4 - 5cm đánh vào lưng một người. Chúng tôi vây đánh, chém 3 người đó khoảng 5 phút, anh Thời nói “rút về” và mọi người lên xe rời khỏi hiện trường, bản thân tôi vứt khúc cây tại hiện trường, lên xe chạy về nhà tôi ngủ”.
 Mẹ của 4 bị can (Thời, Long, Nam, Trung) vác đơn đi khắp nơi kêu oan cho con mình.
Tương tự, lời khai của anh Phong tại biên bản lúc 23 giờ khuya 15/3/2015: “Vào rạng sáng 15/3/2015, tôi đang một mình uống cà phê của cô Oanh đầu đường vào xã Lý Văn Lâm, thì Nguyên chạy xe lại nói: Nhóc Nam (Nguyễn Hoài Nam) kêu lại khu đô thị Hoàng Tâm đánh lộn. Tại đây đã có Trung, Thời và 3 - 4 người khác, tôi không biết tên. Sau đó Long, Nam đến. Nguyên đưa cho tôi một cây mã tấu, Nam cầm một cây mã tấu, Long một cây mã tấu, Thời cầm một con dao phai, 2 người bạn của Thời cầm 2 khúc tràm”.
Không những khai rõ từng chi tiết vụ đánh chém, tại biên bản nhận dạng lúc 15 giờ ngày 19/3/2015 đến 15 giờ 25 phút ngày 20/3/2015 (bị làm việc suốt 1 ngày đêm), anh Phong và Nguyên đều xác nhận rõ từng bản ảnh của Thời, Long, Nam, Trung. Thế nhưng, sau 2 ngày bị câu lưu và 9 ngày bị tạm giữ để khai và “nhận tội”, cả Nguyên và Phong được trả tự do vì có đoạn ghi hình thời điểm xảy ra vụ án, Nguyên đang ở tận… Kiên Giang (cách hiện trường 150km), còn Phong đang… ngủ cách hiện trường 40km!
Điều tra viên dùng phép “phân thân”
Vì sao lại có chuyện lạ đời là dùng lời khai của người không chứng kiến và bắt họ “nhận tội”, rồi đem những lời nhận tội này buộc tội người khác? Sau khi được trả tự do, anh Nguyên và Phong cho rằng thấy “sợ” vì được đọc bản khai của những người khác nên phải viết “tờ nhận tội”.
Trong vòng 20 phút, ĐTV Quách Công Danh đi được quãng đường 150km từ TP Cần Thơ về TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) để lấy lời khai tại 2 nơi!
Tuy nhiên, những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra chưa dừng lại mà còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Đó là việc điều tra viên (ĐTV) Quách Công Danh thuộc Công an TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), chỉ trong ngày 17/3/2015 có đến nhiều bất thường tại các biên bản ghi lời khai, biên bản nhận dạng. Cụ thể, lúc 10 giờ sáng 17/3/2015, ĐTV Quách Công Danh có biên bản ghi lời khai Đặng Hữu Thời và kết thúc lúc 11 giờ 15 phút. Cùng thời điểm 10 giờ sáng, ĐTV Danh lại có biên bản làm việc với Nguyễn Hoài Nam, kết thúc lúc 10 giờ 30 phút.
Buổi chiều cùng ngày 17/3/2015, ĐTV Quách Công Danh lại có buổi làm việc với bị hại Nguyễn Quốc Toàn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ  (TP Cần Thơ) từ lúc 14 giờ và kết thúc lúc 15 giờ. Thế nhưng, vào lúc 15 giờ 20 phút (tức chỉ 20 phút sau - PV), ông Danh đã có mặt tại Công an TP Cà Mau để làm việc với Nguyễn Hoài Nam và kết thúc lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày. Sau đó, ông Danh còn tiếp tục làm việc với Lâm Hải Long lúc 16 giờ 15, kết thúc lúc 16 giờ 45 phút chiều 17/3/2015.
Chỉ với khoảng thời gian thể hiện trong các biên bản làm việc giữa ĐTV Quách Công Danh với bị hại và các thanh niên đang bị điều tra, đã cho thấy có sự bất hợp lý. Bởi lẽ ai cũng biết từ TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đi TP Cần Thơ có quãng đường dài khoảng 150km, không ai có thể đi từ TP Cần Thơ đến TP Cà Mau trong vòng 20 phút.
Khai theo dẫn dắt của ai?
Luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Trong vụ án này, có rất nhiều vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với trường hợp anh Nguyên và Phong chắc hẳn đã bị dẫn dắt theo kịch bản, không loại trừ bị bức cung. Bởi lẽ anh Nguyên, Phong đang ngủ ở cách xa hiện trường từ 40km - 150km, không thể nào mô tả chi tiết hành vi vi phạm gây bất lợi cho chính mình và nhiều người khác.
Chưa kể, ĐTV lập biên bản ghi lời khai của Lâm Hải Long từ ngày 15/3/2015 đến 26/3/2015, dù không có cha mẹ giám hộ nhưng cáo trạng lại trích dẫn nhiều lời khai ban đầu của Long tại thời điểm này để làm căn cứ xác định hành vi của nhiều bị cáo khác là hoàn toàn phi lý.
Bên cạnh đó, về thời gian xảy ra vụ án, có sự mâu thuẫn giữa việc điều tra, xác minh của Công an huyện Cái Nước với Công an TP Cà Mau. Ngoài ra, lời khai khai của các bị hại Toàn, Tiến và Khen đều cho rằng nhóm chém chạy xe đến, nhảy xuống rồi mới chém.
Trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định Thời bị 7 - 8 người không rõ nhân thân đi xe máy chạy đến chém. Nên sau đó Thời tập hợp nhiều người đứng bên đường chờ đợi rồi xông qua chém anh Toàn, Tiến, Khen đang đi bộ đến cổng khu Hoàng Tâm. Đến nay qua 3 lần xét xử, vẫn chưa làm sáng tỏ vì sao Thời phán đoán được hướng đi của hung thủ để… đứng chờ chém trả thù?