Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông: 3 bị cáo sắp tái hầu tòa

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ đại diện các gia đình người bị hại trong vụ án cho biết, dự kiến, ngày 12/9, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở lại phiên phúc thẩm xét xử vụ án cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong.

Phiên tòa từng bị hoãn vào ngày 8/8/2018 vì bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông) có đơn xin vắng mặt với lý do con bị ốm (bị cáo đang tại ngoại) và người nhà của 13 nạn nhân đã đề nghị HĐXX hoãn.
3 bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm.
Trong vụ án này, 3 bị cáo gồm: Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội; Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) thợ hàn trực tiếp gây ra vụ cháy trong quá trình hàn cắt bỏ bản lề cửa phòng hát; và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ sử dụng lao động đối với Tuấn.
Do không đồng tình với nội dung của bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, đại diện hợp pháp của những bị hại đã có đơn kháng cáo với toàn bộ nội dung bản án hình sự sơ thẩm số 107/HSST của TAND TP Hà Nội.
Trong nội dung kháng cáo, đại diện cho những bị hại đã thiệt mạng nhấn mạnh đến đề nghị Tòa cấp phúc thẩm làm rõ vai trò, trách nhiệm của 3 người liên quan là Trịnh Hoàng Tiến, Nguyễn Hữu Long và Phạm Văn Thiên để không bỏ lọt tội phạm.
Ở vụ án này, Nguyễn Hữu Long được xác định là người đứng ra ký hợp đồng thuê người thi công cách âm, Phạm Văn Thiên (người được thuê thi công phần cách âm), Trịnh Hoàng Tiến (chồng bị cáo Nguyễn Diệu Linh) chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn (thợ hàn) thi công không đúng thiết kế. Đồng thời, đại diện hợp pháp của các bị hại cũng đề nghị tăng mức hình phạt với bị cáo Nguyễn Diệu Linh, bởi lẽ những gia đình bị hại cho rằng, mức án đối với Nguyễn Diệu Linh là chưa thích đáng.
Mặt khác, 3 bị cáo là Nguyễn Diệu Linh, Lê Thị Thì, Hoàng Văn Tuấn cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Để đảm bảo cho phiên tòa tới đây, HĐXX có thể làm rõ toàn bộ nội dung vụ án, không bỏ lọt tội phạm, đại diện của các bị hại đã đồng loạt có đơn đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội triệu tập 3 người liên quan là Nguyễn Hữu Long, Trịnh Hoàng Tiến và Phạm Văn Thiên tham gia phiên tòa.
Chị Nguyễn Phước Hà (người đại diện hợp pháp của người bị hại Nguyễn Duy Hưng) cho biết: “Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26 - 27/3/2018 của TAND TP Hà Nội, tôi và đại diện của các gia đình bị hại khác cảm thấy mức án dành cho bị cáo Nguyễn Diệu Linh là hoàn toàn không tương xứng. Tôi cũng như đại diện của các bị hại khác hy vọng, phiên tòa phúc thẩm tới đây, TAND cấp phúc thẩm sẽ triệu tập đầy đủ và có biện pháp để buộc những đối tượng Nguyễn Hữu Long, Trịnh Hoàng Tiến, Phạm Văn Thiên có mặt theo giấy triệu tập của tòa án”.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong.
Trước đó, ngày 27/3, sau 2 ngày xét xử và nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 3 bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” xảy ra ngày 1/11/2016 tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) khiến 13 người tử vong.
Xét tính chất, vai trò và hành vi phạm tội của các bị cáo, tòa cấp sơ thẩm nhận định: Bị cáo Nguyễn Diệu Linh (chủ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông) đã tự ý thay đổi thiết kế, không tuân thủ thiết kế ban đầu trong quá trình xây dựng, giám sát xây dựng, tự ý đưa cơ sở đi vào hoạt động khi quá trình xây dựng, sửa chữa khi chưa hoàn thành và hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu. Khi áp dụng hình phạt, HĐXX xét thấy cần áp dụng các tình tiết là thành khẩn khai báo và có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Linh.
Đối với bị cáo Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn, chưa có chứng chỉ thợ hàn, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, không tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống cháy nổ. Bị cáo này chính là người đã dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề dẫn đến lửa bén vào vách phòng gây cháy. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo Tuấn cần được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo và nhân thân chưa có tiền án tiền sự.
Đối với bị cáo Lê Thị Thì (chủ sử dụng lao động Hoàng Văn Tuấn) đã sử dụng lao động khi không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Đồng thời, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ nhưng không có biện pháp phòng chống và vẫn đồng ý để Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề dẫn đến cháy. Về nhân thân, bị cáo có một tiền án đã xóa và một tình tiết giảm nhẹ được áp dụng là thành khẩn khai báo.
Từ những nhận định trên, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù, Lê Thị Thì 7 năm tù và Hoàng Văn Tuấn 7 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”. Về dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại bao gồm: Tổn thất về tinh thần, mai táng phí và chu cấp cho con của 13 nạn nhân đến năm 18 tuổi.