Vụ “Hãng Taxi Vinasun kiện GrabTaxi”: Grab kinh doanh vi phạm Đề án 24

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là quan điểm của Viện KSND tại phiên tòa xét xử vụ hãng Taxi Vinasun kiện GrabTaxi. Về số tiền Vinasun yêu cầu Grab “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” trên 41,2 tỷ, đại diện Viện KSND cho rằng không đủ căn cứ chứng minh.

Chủ tọa bị nguyên đơn và bị đơn… tố cáo!
Sáng 28/12, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm về vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi).

Trước khi đại diện Viện KSND nêu quan điểm, thẩm phán Lê Công Toại – Chủ tọa phiên tòa đã dành thời gian giải thích một số vấn đề. Theo chủ tọa, phía nguyên đơn cho rằng tòa kéo dài thời gian xử án đã gây thiệt hại cho Vinasun. Còn bị đơn Grab cho rằng vụ xử kéo dài làm cho nguyên đơn có thời gian thu thập chứng cứ, có lợi cho nguyên đơn.
 Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Vinasun kiện Grab
Cũng theo chủ tọa, nguyên đơn gửi đơn tố cáo chủ tọa đến Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Chủ tịch Nước để đặt câu hỏi vì sao vụ án “nhỏ” lại báo cáo Hội đồng Thẩm phán đến 2 lần? Có vi phạm Hiến pháp không? Về phía bị đơn cũng gửi đơn lên những nơi tương tự, thậm chí gửi ra cả nước ngoài.

“Tôi xin giải thích việc có báo hay không tôi không có nhiệm vụ trả lời các đương sự. Việc quyết định vụ án thuộc HĐXX và HĐXX không chịu tác động của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. HĐXX cho dừng phiên tòa nhằm mục đích hai bên hòa giải, HĐXX cũng mong vụ án này kết thúc nhanh gọn. Còn các vị có gửi đơn đi đâu chăng nữa, nhưng quyền quyết định là ở đây, thuộc HĐXX vụ án này. Thay mặt HĐXX, tôi cũng cảm ơn phóng viên các báo đài đã đưa tin đầy đủ về vụ án”, chủ tọa Lê Công Toại, nhấn mạnh.

Không đủ cơ sở để đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng

Trong phần nêu quan điểm của mình, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh khẳng định quá trình giải quyết vụ án, thầm phán và thư ký tòa cũng như HĐXX thực hiện đúng quy định, trình tự tố tụng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ (sau ngày 23/10/2018), Viện KSND nhận thấy Công ty CP Thẩm định giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long) dù đã được tòa triệu tập nhiều lần nhưng không đến.
 
Trong vụ án này, Viện KSND khẳng định về tính pháp lý tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (CNĐKKD) lần đầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp ngày 14/2/2014, Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia cũng như điều lệ của Công ty TNHH Grab thể hiện trong các ngành nghề kinh doanh có vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt) cùng ngành nghề với Vinasun. Theo Đề án 24, Grab chỉ được phép kinh doanh cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách (VTHK) theo hợp đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, Grab đã không tuân thủ pháp luật, điều hành trọn vẹn một quy trình KDVT taxi tương tự Vinasun, gồm: tuyển tài xế, điều hành xe, không niêm yết vị trí lái xe theo mẫu quy định, nhiều xe không có phù hiệu, không có tên, chỉ định tài xế đón khách…, vi phạm nghị định 86 của Chính phủ, thông tư 63, không thực hiện đúng Đề án 24.

Đối với yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền trên 41,2 tỷ đồng, đại diện Viện KSND cho rằng nguyên đơn căn cứ báo cáo tài chính các năm 2015, 2016 và 2017 đã được kiểm toán và công văn cung cấp thông tin của Chi cục Thuế quận 5 đối với Vinasun để cho rằng lợi nhuận của Vinasun năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 giảm sút. “Tuy nhiên Vinasun không chứng minh được thiệt hại, bởi Công ty Giám định Cửu Long dù được tòa triệu tập nhiều lần không đến, nên không làm rõ được thiệt hại của Vinasun. Vinasun dùng giá cổ phiếu giảm 149 tỷ đồng để làm căn cứ chứng minh thiệt hại cũng chưa phù hợp. Mặt khác Vinasun cho rằng doanh số kinh doanh kém hiệu quả, năm 2016 giảm so với 2015 do chi phí tăng (gồm các loại chi phí). Thế nhưng thực tế số tài xế Vinasun giảm trên 2.400 người. Ngoài doanh thu taxi còn có doanh thu khác, như vậy doanh thu của Vinasun có nhiều nguồn”, đại diện Viện KSND, nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, Viện KSND nhận định: “Phía Vinasun không đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại nên không đủ cơ sở chấp nhận tất cả các yêu cầu của Vinasun. Cụ thể yêu cầu đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền trên 41,2 tỷ đồng. Sau vụ án này, chúng tôi cũng báo cáo Viện KSND Tối cao để yêu cầu Bộ GTVT điều chỉnh một số văn bản”.

HĐXX dừng tòa để nghị án.

Sau 2 tháng, quan điểm thay đổi

Trước đó vào ngày 23/10, khi nêu quan điểm của mình, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã khẳng định Grab lợi dụng Đề án 24 để kinh doanh vận tải taxi. Hành vi trái pháp luật của Grab là thực hiện không đúng Đề án 24; vi phạm khoản 4 điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về “Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”; có hành vi khuyến mại trái với khoản 4 điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ. 

Viện KSND cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Vinasun buộc GrabTaxi bồi thường một lần số tiền thiệt hại trên 41,2 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần