70 năm giải phóng Thủ đô

"Vũ khí hóa" kinh tế ở Myanmar

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tạp hóa, siêu thị đến trường học, bệnh viện, ngân hàng... người Myanmar đang đồng loạt đình công với hy vọng rằng hành động của họ sẽ buộc quân đội phải trao trả lại quyền lực sau cuộc đảo chính hôm 1/2.

Một ngân hàng, một trung tâm mua sắm, một trạm xăng và một ga đường sắt ở TP Yangon vắng vẻ hôm 18/3. 
Theo New York Times, kể từ khi quân đội nắm quyền lãnh đạo ở Myanmar vào tháng trước, cả một quốc gia đã đi vào bế tắc: Cửa sổ các bàn giao dịch ngân hàng bám đầy bụi; hàng hóa tại cảng không được thu gom; những chồng tài liệu chất đống trong các cơ quan Chính phủ ở Thủ đô Naypyidaw. Về cơ bản là quá ít người ở lại để xử lý các thủ tục giấy tờ.
Trong khi hầu hết người phản đối đảo chính vẫn tiếp tục xuống đường, bất kể ít nhất 220 người đã thiệt mạng do đụng độ với lực lượng an ninh, hàng triệu lao động Myanmar đã từ chối đi làm để thể hiện sự chống đối của mình. Hậu quả của làn sóng này đối với nền kinh tế được cho là không hề nhỏ.
Theo các quan chức từ 4 bộ, tới 90% hoạt động của Chính phủ quốc gia Myanmar đã ngừng hoạt động, các nhà máy đang "chạy không". Trong tháng 2 vừa qua, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh quốc gia này ghi nhận mức sụt giảm, chỉ có 190 đăng ký mới so với gần 1.300 cùng kỳ năm trước.
Quân đội Myanmar đã lãnh đạo đất nước trong gần 60 năm, được đánh giá là ít có kinh nghiệm trong việc điều hành một nền kinh tế bắt đầu hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu trong suốt 1 thập kỷ cải cách vừa qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar đang trở nên thận trọng: Toyota trì hoãn kế hoạch mở nhà máy; Ngân hàng Thế giới tạm dừng giải ngân tại Myanmar... Trong khi các lệnh trừng phạt của các chính phủ phương Tây đối với các sĩ quan và công ty quân đội Myanmar ngày một gia tăng.
Trong các cuộc đột kích sau vụ đảo chính, binh lính vây bắt hàng trăm quan chức được coi là trung thành với Chính phủ dân sự do đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lãnh đạo. Một cố vấn kinh tế người Australia cho nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi cũng bị bắt. Hơn 200 nhân viên của ngân hàng T.Ư, bao gồm 5 phó giám đốc, đã bị sa thải vì bất tuân dân sự.
Do đó, thuế gần như không thể được thu ở Myanmar lúc này. Phần lớn các giấy phép xuất/nhập khẩu và nhiều giấy phép khác không còn được cấp nữa. Với việc nhân viên của các ngân hàng tư nhân đang tham gia cuộc đình công, hầu hết các dòng tiền vào và ra khỏi đất nước cũng đã ngừng lại. Nhiều công ty đã không thể trả lương cho nhân viên. Các ngân hàng quân đội hạn chế rút tiền vì sợ cạn kiệt.
Tuần trước, quân đội đã ra lệnh cho các ngân hàng tư nhân chuyển tiền do các thương nhân nông nghiệp ký gửi cho các ngân hàng nhà nước hoặc quân đội, để số tiền này có thể được rút ra cho vụ thu hoạch sắp tới. Yêu cầu này đã không được đáp ứng.

Một phụ nữ bỏ nhà ra đi sau cuộc đột kích của cảnh sát vào tuần trước. 
Theo New York Times, Myanmar hiện đang thiếu nhiều thứ cùng một lúc: Xăng cho ô tô, ngũ cốc và các loại đậu nhập khẩu, thậm chí cả kem đánh răng. Theo Chương trình Lương thực Thế giới, tại Yangon - TP lớn nhất của nước này - giá bán lẻ dầu cọ đã tăng 20% ​​kể từ cuộc đảo chính.
Mọi người hiện đã quen với việc xếp hàng dài để rút tiền ở ATM, nhận lương hưu, để được phát gạo và cà ri. Các công nhân của nhà máy đình công đang phải lựa chọn giữa việc đội mũ cứng và kính bảo hộ để tham gia biểu tình, hay chờ đợi dưới trời nắng nóng để có được bất cứ nhu yếu phẩm nào được cấp vào ngày hôm đó.
Hiện tại, các mạng lưới tài chính phi chính thức đang giúp giảm bớt phần nào nỗi đau của việc mất lương. Tại Mandalay - TP lớn thứ 2 ở Myanmar - một nhóm Facebook do những người dân thường điều hành đã gây quỹ để hỗ trợ gần 5.000 người đang tham gia phong trào phản đối quân đội, được gọi là tổ chức CDM.
U Ko Ko Zaw, một trong những cư dân đã bỏ trốn khỏi nhà với 1 vali đồ dùng cá nhân, 1 bình dầu ăn và 1 con gà sống, chia sẻ về quyết định đình công của mình: "Chết vì đói cũng được, họ sa thải tôi cũng không sao. Tôi sẽ tiếp tục vì tôi tin rằng nó có thể làm suy giảm nền kinh tế của họ".
Tóm lại, một tầng lớp người dân ở Myanmar dường như đang "vũ khí hóa" nền kinh tế, đánh cược rằng sự đình trệ lúc này sẽ khiến quân đội và nguồn lực cần thiết để điều hành đất nước gặp khó khăn, buộc phải từ bỏ vào một ngày không xa.