Vụ nữ sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử: Bộ GD&ĐT phản hồi

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan đến vụ việc nữ sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi bị bạo lực học đường, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt cho biết, Bộ đã nhận báo cáo, đồng thời tiếp tục theo sát thông tin về vụ việc.

Theo đó, ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Trường ĐH Vinh và Sở GD&ĐT Nghệ An báo cáo vụ việc.

Sự việc nữ sinh Trường THPT chuyên DDH Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: FBNT)
Sự việc nữ sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: FBNT)

Tại báo cáo của Trường ĐH Vinh, nhà trường xác nhận có sự việc em N. mất tại nhà riêng, tuy nhiên đoạn clip chia sẻ trên mạng là không chính xác. 

“Bộ yêu cầu nhà trường tiếp tục theo sát vụ việc, có thông tin gì mới kịp thời báo cho Bộ", Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt nói.

Bên cạnh đó, Vụ cũng đề nghị các đơn vị liên quan có biện pháp ổn định tinh thần, tránh những diễn biến, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh.

Tại báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh nêu rõ: Tối 15/4, trường nhận được thông tin em N.T.Y.N, học sinh lớp 10A5, Trường THPT chuyên ĐH Vinh mất tại nhà riêng ở TP.Vinh, Nghệ An.

Tối 16/4, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nữ sinh tự vẫn do bị đánh hội đồng, ngược đãi và bị áp đảo tâm lý, kèm theo đó là clip học sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận.

Ngay sau khi có thông tin trên, Trường ĐH Vinh khẩn trương làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT chuyên ĐH Vinh, trợ lý quản lý học sinh, Bí thư Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm, đại diện học sinh lớp 10A5 để nghe báo cáo sự việc.

Qua thông tin ban đầu cho thấy, sự việc em N. mất tại nhà riêng là có thật. Nhà trường vô cùng đau buồn trước sự việc đáng tiếc này; đã cử đại diện cùng Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, học sinh đến phúng viếng, tiễn đưa em N.về nơi an nghỉ.

Nhà trường cũng cho hay, N là học sinh ngoan, có ý thức học tập tốt. Trong học kỳ 1, N nhắn tin xin cô giáo chủ nhiệm mẫu đơn xin chuyển lớp và được cô trả lời rằng, chuyển lớp là thẩm quyền của ban giám hiệu. Vì thế, N có lên phòng hiệu trưởng để đề đạt nguyện vọng và không giải thích rõ vì sao. Một lần nữa, mong muốn của N tạm thời bị từ chối bởi lớp 10 “đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Cô giáo chủ nhiệm lớp N cho hay, trước đây ở lớp N chơi thân với một nhóm bạn. Khoảng trước 20/11, nhóm bạn kia không chơi với N nữa và nói rằng “không hợp”. Cô giáo biết vậy nhưng không hỏi rõ được lý do vì các học sinh không nói và lập nhóm kín để chat với nhau.

Về video học sinh đánh nhau lan truyền trên mạng cùng thời gian trên, giáo viên chủ nhiệm và các học sinh lớp 10A5 đã xem và khẳng định clip trên không nằm trong khuôn viên trường, nữ sinh bị đánh không phải là N., những người tham gia đánh cũng không phải là học sinh của trường.

Trong vụ việc, phía gia đình có thông tin khác. Một người nhận là họ hàng của N đăng tải nội dung cho rằng, vốn là học sinh giỏi nhưng bỗng dưng N bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

Người mẹ đã tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Khi trường không cho chuyển lớp nhưng hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm, người mẹ đã tạm thời yên tâm, tin tưởng rằng nhà trường và cá nhân con sẽ xử lý được vấn đề. Người mẹ vẫn cố gắng đón đưa con đi học, động viên con hàng ngày và không thể nghĩ rằng, vụ việc đau lòng đã xảy ra....

Hiện cơ quan công an phối hợp với nhà trường và các bên liên quan tích cực điều tra, xác minh để làm rõ nguyên nhân vụ việc.