Cũng theo Phó chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục, không chỉ có vậy, đây còn là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại đến uy tín và thương hiệu Việt Nam, bởi Seven.am là một trong những thương hiệu có tên tuổi của ngành thời trang Việt Nam.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh để mang tính ngăn chặn, răn đe các trường hợp tương tự. Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động ngoài yêu cầu tuân thủ luật pháp còn phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng.
"Qua việc báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của Seven.am, tôi thấy có những dấu hiệu vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức của doanh nghiệp này. Đây là chuyện rất buồn, rất đáng trách, gây giảm sút niềm tin của Nhân dân với thương hiệu Việt. Đó mới là cái tổn hại nhất” - ông Phạm Bá Dục khẳng định.
Để làm rõ hành vi vi phạm làm giả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các cơ quan chức năng cần làm rõ Seven.am nhập hàng hóa qua đường chính ngạch hay nhập qua đường lậu.
Nếu Seven.am không có đủ các giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì còn vi phạm pháp luật về buôn lậu qua biên giới. Muốn ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần siết chặt việc quản lý thị trường bán lẻ, củng cố lực lượng chức năng.
Nhãn hàng của Seven.am không ghi xuất xứ hàng hóa. |
“Với một lực lượng hùng hậu của cơ quan chức năng gồm cảnh sát kinh tế, hải quan, quản lý thị trường… mà hệ thông cửa hàng bán lẻ quy mô lớn của TP Hà Nội có hành vi bán hàng giả, hàng nhái không thể kiểm soát, phát hiện thì đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP Hà Nội.
Điều này cho thấy, chất lượng của các lực lượng thực thi có vấn đề, Nhà nước nên xem xét, chấn chỉnh lại các tổ chức này sao cho làm việc hợp lý, hiệu quả và tìm hiểu nguyên nhân xem tại sao lại như thế, có hiện tượng bảo kê hay không, có hiện tượng ăn tiền đút lót hay không đều phải làm rõ để đảm bảo công việc hiệu quả" - ông Phạm Bá Dục cho biết.